Tạo thêm không gian hợp tác phát triển cho các dự án khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên cho biết, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng không ngừng nỗ lực xây dựng, hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (đmst). Thành phố đã ban hành hơn 20 văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố, đồng thời, triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về hoạt động quản lý khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đang có 03 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 09 vườn ươm; 03 không gian sáng chế; 08 không gian làm việc chung; 06 quỹ đầu tư khởi nghiệp cùng hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.
Trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng lần thứ 3 nhận được danh hiệu "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo"; được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng danh hiệu "Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp", được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là một trong những địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đmst quốc gia. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số đmst cấp địa phương năm 2023 (GII) do Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá.
Ngày 26-6-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong nhóm chính sách đặc thù phát triển thành phố, có nhiều chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, đmst. Cụ thể, thứ nhất là nhóm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, hoạt động chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn thuế thu nhập đối với tiền công, tiền lương của chuyên gia, nhà khoa học và các chính sách về phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai là nhóm các chính sách về hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các nội dung hỗ trợ các chi phí thuê chuyên gia, tiền công lao động trực tiếp, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, chi phí ươm tạo, nghiên cứu phát triển, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đmst. Đây là chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba là chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát, trong đó cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đmst trong một phạm vi nhất định để khuyến khích các hoạt động đmst và đánh giá, hoàn thiện trước khi đưa vào ứng dụng.
Thứ tư là chính sách khai thác tài sản kết cấu hạ tầng KH&CN phục vụ khởi nghiệp đmst. Hiện nay việc đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng KH&CN phục vụ khởi nghiệp đmst còn nhiều vướng mắc, nút thắt khiến cho các địa phương không có cơ chế để khai thác cơ sở hạ tầng hiện có cũng như không thể đầu tư mới cơ sở hạ tầng phục vụ cho khởi nghiệp đmst.
"Đây là các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, tăng tính cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp đmst, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố và thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doạnh nghiệp công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến với thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, giúp các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ có không gian để làm việc, phát triển dự án, hoàn thiện công nghệ cũng như có cơ hội tiếp cận, kết nối với các nguồn lực chuyên gia, nguồn lực tài chính để phát triển doanh nghiệp," Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên nhấn mạnh.
Tại chương trình, các chuyên gia tập trung trao đổi về chiến lược phát triển từ startup thành thương hiệu quốc gia, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ việc nghiên cứu thị trường đến việc xây dựng sản phẩm và dịch vụ. Qua đó, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, liên kết các nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế cùng hợp tác đầu tư phát triển. Đồng thời, truyền cảm hứng cho khởi nghiệp, khẳng định vai trò của sinh viên trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và cách hình thành tư duy khởi nghiệp cho học sinh sinh viên.
Ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Songhan Incubator cho biết, Songhan Incubator thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện đổi mới sáng tạo cho các Startup. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trẻ tối ưu hóa mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo và cung cấp giải pháp công nghệ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận và phát triển bền vững.
"Là người con sinh ra và lớn lên ở miền Trung, tôi rất tự hào khi chứng kiến phong trào khởi nghiệp sôi nổi trên mảnh đất quê hương mình. Không chỉ có các dự án khởi nghiệp tận dụng thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị mà còn có các startup đổi mới sáng tạo, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ ra đời"- ông Lý Đình Quân chia sẻ thêm.
Theo báo cáo của Cổng Thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, chỉ riêng trong tháng 5/2024, có hơn 1.500 doanh nghiệp được thành lập tại khu vực miền Trung, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đà Nẵng được định vị là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung với phong trào khởi nghiệp lại càng mạnh mẽ. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2024, Đà Nẵng có gần 1.600 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký là hơn 5.000 tỷ đồng.
LÊ ANH TUẤN