Báo Công An Đà Nẵng

Tạo văn hóa đọc cho học sinh vùng khó

Thứ năm, 19/10/2017 07:55

Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trà Don (xã Trà Don, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với 100% học sinh là con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện dạy học còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, trường có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách và tạo dựng văn hóa đọc cho con em học sinh.

Các em học sinh Trường PTDTBT THCS Trà Don tự tay làm các tủ sách cho mô hình thư viện xanh.

Khơi nguồn đam mê   

Đến thăm Trường PTDTBT THCS Trà Don, chúng tôi được chứng kiến không khí học tập sôi nổi với những hoạt động giáo dục bổ ích, lý thú. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất là hình ảnh học sinh chăm chú ngồi đọc sách trong khuôn viên thư viện xanh. Các tủ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn ở vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho việc đọc ngay trên sân trường, dưới những tán cây xanh rợp bóng mát và dưới những mái che. Ở các khu vực ghế ngồi được thiết kế có mái che để học sinh ngồi đọc mà không sợ mưa nắng. Tủ sách không chỉ được bày trí thuận lợi, mà còn phong phú, đa dạng về chủng loại sách, truyện nên lúc nào khu vực thư viện xanh cũng đầy ắp học sinh. Bởi vậy mà không ngẫu nhiên khi ngành GD-ĐT Nam Trà My chọn mô hình thư viện xanh Trường PTDTBT THCS Trà Don là một trong những mô hình thư viện kiểu mẫu của địa phương.

Để có được những thành công ấy, trong thời gian qua, Trường PTDTBT THCS Trà Don không ngừng quan tâm đầu tư cho công tác thư viện. Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Don, chia sẻ: Xác định thư viện chính là nơi khởi nguồn cho sự đam mê đọc sách, tự học của học sinh và là nơi thầy cô giáo tìm tòi, nghiên cứu tài liệu giảng dạy,  nên nhà trường luôn quan tâm đầu tư xây dựng, linh hoạt trong công tác tổ chức hoạt động thư viện, để thư viện thực sự hoạt động hiệu quả, thu hút, hấp dẫn học sinh, giáo viên.

“Muốn hình thành được thói quen đọc sách, báo cho học sinh thì phải xây dựng được môi trường học tập, đọc sách, báo ở cả trường học lẫn gia đình. Tuy nhiên, với điều kiện vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nên thói quen đọc sách của người dân, phụ huynh gần như không có. Các em học sinh cũng không có thói quen tự học bài ở nhà hay thói quen đọc sách, báo. Thế nên, mô hình thư viện xanh kết hợp với phòng thư viện sẽ dần dần tạo thói quen đọc sách cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số”, thầy Chín bày tỏ.

 Trường PTDTBT THCS Trà Don có nhiều hoạt động hay nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh.

Tạo dựng văn hóa đọc sách

Hiện thư viện Trường PTDTBT THCS Trà Don có trên 4.000 bản sách, báo, tạp chí các loại. Để tránh nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện đều tiến hành luân chuyển sách, truyện để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều thể loại sách, truyện hơn. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động thư viện được nhân viên phụ trách phối hợp với ban chỉ huy liên đội, đội cờ đỏ theo dõi, quản lý hàng ngày, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến với thư viện đọc sách. Bởi vậy mà không khí ở thư viện lúc nào cũng hết sức sinh động.

Ngoài các nguồn sách, tư liệu được cấp phát bổ sung, để làm phong phú thêm nguồn sách đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em học sinh và giáo viên, nhà trường còn vận động, quyên góp sách từ các tổ chức, nhà sách. Chính cách làm hiệu quả này mà năm học 2017-2018 thư viện nhà trường được bổ sung thêm 5 tủ sách thân thiện cho học sinh.

Thầy Võ Đăng Chín cho biết: Song song với tổ chức hoạt động thư viện hiệu quả, nhà trường còn linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh, như phát động phong trào “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hơn”, tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng, kể chuyện theo sách, ngày hội đọc sách... Thông qua các hoạt động này, nhà trường đã tạo được thói quen đọc sách cho nhiều em học sinh, khơi dậy niềm đam mê đọc sách báo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có mô hình thư viện xanh, nhiều em dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tự tìm đến thư viện, đọc sách nhiều hơn.

Từ kinh nghiệm tổ chức thư viện của mình, thầy Võ Đăng Chín nhìn nhận: “Muốn thu hút học sinh đến thư viện đọc sách, tìm kiếm tài liệu học tập thì công tác tổ chức thư viện phải thật sự linh hoạt. Đến với thư viện, tâm trạng các em học sinh phải thoải mái thì mới có niềm hứng thú đọc sách. Đó cũng là lý do vì sao trong thời gian qua nhà trường tổ chức hoạt động thư viện theo hình thức “thư viện mở” theo mô hình thư viện xanh trong khuôn viên trường học. Đến thư viện, các em không chỉ tham gia đọc sách, mà còn chia sẻ, truyền thông, giới thiệu với nhau về những cuốn sách hay, bổ ích. Qua đó, khơi dậy, cổ vũ niềm đam mê đọc sách, báo cho học sinh ngày một sâu rộng và hiệu quả. Điều này thật sự có một ý nghĩa đặc biệt khi học sinh là con em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

KHẢI MINH