Tập đoàn Adani Ấn Độ muốn rót hơn 2 tỉ USD xây trọn gói cảng thông minh Liên Chiểu
Sáng 31-7, bắt đầu chương trình thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani, chủ tịch Tập đoàn Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng.
Bày tỏ quan tâm tới dự án cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, ông Gautam Adani cho hay đã nộp hồ sơ đề nghị đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án. Tập đoàn mong muốn được đầu tư trọn gói hệ thống cảng thông minh với vốn đầu tư dự kiến là hơn 2 tỉ USD và tháo gỡ khó khăn trước đề xuất được đầu tư 100% vốn cho dự án này.
Nhà đầu tư muốn làm cảng biển, sân bay và năng lượng
Ngoài ra, chủ tịch Adani muốn tham gia dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,8 tỉ USD; đề nghị kết hợp đối tác Việt Nam đầu tư sân bay, hàng không và logistics như sân bay Chu Lai và sân bay Long Thành giai đoạn 2.
Theo ông Lê Quang Nam - phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, hiện cảng Liên Chiểu đã được phê duyệt quy hoạch và đủ điều kiện để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, định hướng thu hút nhà đầu tư là làm trọn gói các hạng mục với 8 bến nhằm mang lại hiệu quả cao hơn thay vì 2 bến trước đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay cũng có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước mong muốn tham gia dự án này. Tuy vậy, quy định hiện chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài được tham gia đầu tư vào logistics với 49% vốn.
Vì vậy, ông cho rằng việc đầu tư cần đáp ứng đúng quy định và nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn đầu tư vào hạ tầng khi quy định cho phép tỉ lệ vốn là 100%. Theo đó, ông Dũng đề nghị chủ tịch Tập đoàn Adani nghiên cứu và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để mang lại hiệu quả nhất.
Đối với đề xuất được tham gia vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nhà đầu tư trước đây đã rút vốn và Tập đoàn Adani đã đề xuất tham gia. Vì vậy, ông Diên đề nghị Adani cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để làm căn cứ xem xét cho nhà đầu tư tham gia theo đúng quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn Adani đã bày tỏ sự chia sẻ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư và trả lời của các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh đề nghị đầu tư và khẳng định đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Gỡ vướng ngay tại buổi tiếp, khuyến khích tinh thần "đã nói là làm"
Đối với cảng Liên Chiểu, chủ trương thu hút đầu tư của Việt Nam là lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm triển khai tổng thể dự án, đảm bảo tính hiệu quả chứ không làm “lắt nhắt”.
Để tháo gỡ nút thắt, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho Tập đoàn Adani lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và nhu cầu của nhà đầu tư, có thể cân nhắc đầu tư 100% vốn vào cơ sở hạ tầng.
Kết hợp đó, ông cũng gợi ý nhà đầu tư có thể rót vốn vào khu thương mại tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Đà Nẵng sau khi thành phố này được Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù. Do đó, quy mô đầu tư dự án không chỉ dừng lại ở mức hơn 2 tỉ USD mà có thể tăng lên 3-4 tỉ USD.
Đối với việc triển khai dự án sân bay, Thủ tướng gợi ý nhà đầu tư nên lựa chọn “có trọng tâm trọng điểm”, ưu tiên tham gia đầu tư vào sân bay Chu Lai, do sân bay này có lợi thế khi kết nối với ba tuyến quốc lộ lớn rất thuận tiện.
Sân bay cũng đã sẵn sàng 1.200ha mặt bằng và sẽ là sân bay quốc tế sau khi dời sân bay quốc tế Đà Nẵng về đây. Đây cũng là sân bay mang tính chiến lược, địa điểm trung chuyển thu hút nhiều khách du lịch, nhà đầu tư đến Việt Nam và các nước trong khu vực.
Đối với việc tham gia dự án điện, Thủ tướng cho hay kể từ sau COP26, Việt Nam và các nước đã đưa ra cam kết giảm phát thải nên rất ưu tiên và khuyến khích đầu tư năng lượng sạch. Do đó, ông đề nghị Tập đoàn Adani có thể ưu tiên đầu tư nguồn năng lượng sạch cho dự án này.
“Cần tập trung vào ba dự án mang tính chiến lược là cảng Liên Chiểu, khai thác trung tâm logistics kết hợp khu thương mại tự do, sân bay Chu Lai và dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với năng lượng sạch. Như vậy mức vốn đầu tư cũng đã gần 10 tỉ USD. Chúng tôi sẽ có chính sách ưu tiên và thu hút đầu tư, nhưng đi kèm đó phải có chuyển giao công nghệ, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu sau cuộc họp này, nhà đầu tư cần làm việc ngay với các bộ ngành, địa phương Việt Nam để bàn thảo các nội dung triển khai cụ thể với tinh thần làm ngay, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ sản phẩm”.
Bày tỏ cảm ơn những tháo gỡ vướng mắc của Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương, chủ tịch Adani khẳng định sẽ triển khai ngay dự án và cam kết thực hiện theo đúng quy định pháp luật, xây dựng hạ tầng cảng thông minh hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới và tạo lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo tuoitre