Báo Công An Đà Nẵng

Tập đoàn bất động sản Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ

Thứ bảy, 19/08/2023 08:51
Bên ngoài trụ sở của China Evergrande tại Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

"Nợ như chúa chổm"

Tập đoàn Evergrande - từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc - đã nộp đơn xin phá sản ở New York xin được bảo trợ phá sản theo Chương 15 luật phá sản tại quốc gia này, áp dụng với các công ty nước ngoài. Động thái này nhằm bảo vệ những tài sản của tập đoàn tại Mỹ trong khi tìm kiếm một thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ.

Evergrande từng vỡ nợ năm 2021, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, kéo dài đến hiện tại. Tháng trước, Evergrande công bố khoản lỗ lên tới 81 tỷ USD tiền của cổ đông vào năm 2021 và 2022, theo một hồ sơ giao dịch chứng khoán. Hồ sơ cũng tiết lộ rằng tổng số nợ của Evergrande đã lên tới 2,437 nghìn tỷ NDT (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái - tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Evergrande đã công bố kế hoạch tái cấu trúc trị giá hàng tỷ USD để trả nợ cho các chủ nợ quốc tế sau màn vỡ nợ lịch sử vào năm 2021. Với tổng nợ phải trả hơn 270 tỷ USD, kế hoạch này trở thành kế hoạch tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Hồi tháng 4, họ cho biết vẫn chưa đạt tỷ lệ đồng thuận cần thiết trong nhóm chủ nợ để bắt đầu kế hoạch này. 77% nhà đầu tư nắm trái phiếu hạng A đã thông qua. Trong khi đó, chỉ 30% trái chủ hạng C đồng ý. Công ty này cần ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm đồng ý, để thực hiện một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất tại Trung Quốc tính đến nay. Đến tháng 7, Evergrande được tòa chấp nhận tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch tái cấu trúc nhưng cách đây ít hôm tập đoàn thông báo lùi cuộc họp với các chủ nợ đến ngày 28-8.

Tác động sâu rộng

Được coi là "bom nợ" với tổng nợ trái phiếu lên tới 330 tỷ USD, sự vỡ nợ của Evergrande đã trở thành hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong ngành bất động sản Trung Quốc, gây nguy cơ lây lan khi ngành công nghiệp này trải qua cuộc khủng hoảng tệ nhất lịch sử. Số phận của Evergrande có tác động sâu rộng đến không chỉ thị trường bất động sản mà còn tới cả hệ thống tài chính Trung Quốc vì có rất nhiều ngân hàng, quỹ tín thác và hàng triệu chủ sở hữu nhà có liên quan. Và, khối nợ hơn 300 tỷ USD khiến quá trình tái cấu trúc của tập đoàn chắc chắn sẽ kéo dài.

Kể từ khi Evergrande sụp đổ, một số nhà phát triển bất động sản lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group, đã vỡ nợ. Gần đây nhất, một gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc, Country Garden, đã cảnh báo rằng họ sẽ "xem xét áp dụng nhiều biện pháp quản lý nợ khác nhau" - làm dấy lên suy đoán rằng công ty này có thể đang chuẩn bị cơ cấu lại khoản nợ khi gặp khó khăn trong huy động tiền mặt.

Các vấn đề của ngành bất động sản càng trầm trọng hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung trong nước.

Sẽ quay trở lại?

Evergrande cho biết trong một hồ sơ công bố kế hoạch: "Việc tái cấu trúc như đề xuất sẽ giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của công ty để tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề". Theo một phần của kế hoạch, Evergrande cho biết họ sẽ tập trung vào việc quay trở lại hoạt động bình thường trong ba năm tới, nhưng sẽ cần thêm khoản tài chính từ 36,4 tỷ USD đến 43,7 tỷ USD.

Tuần này, công ty xe điện trực thuộc Evergrande đã tìm thấy chút hy vọng khi đạt được thỏa thuận bán gần 28% cổ phần cho NWTN, công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Dubai. NWTN sẽ đầu tư 500 triệu USD vào tập đoàn xe điện của Evergrande để đổi lấy khoảng 28% cổ phần. Theo chuyên gia phân tích Daniel Fan và Adrian Sim của Bloomberg Intelligence, giao dịch này sẽ giúp ích cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande. NWTN có thể trở thành cổ đông lớn nhất nếu chuyển đổi toàn bộ các trái phiếu chuyển đổi bắt buộc của tập đoàn xe điện. Đồng thời, có thêm nguồn vốn mới sẽ giúp tăng giá trị của các trái phiếu này trong kế hoạch tái cấu trúc nợ, cũng như đưa hoạt động sản xuất xe điện trở lại bình thường.

AN BÌNH