Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung dập các điểm nóng về dịch bệnh

Thứ ba, 14/12/2021 12:48

Mặc dù một số địa phương đã chuyển cấp độ để triển khai các biện pháp phù hợp nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca nhiễm mới trên địa bàn Đà Nẵng vẫn đang ở mức cao. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 13-12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt các điểm nóng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 13-12.

Tiếp tục vượt mốc 200 ca/ngày

Ngày 13-12, Đà Nẵng ghi nhận 206 ca mắc COVID-19 gồm 16 ca cách ly tập trung, 93 ca cách ly tạm thời tại nhà, 42 ca trong khu phong tỏa và 55 ca cộng đồng.

Cụ thể, trong 55 ca cộng đồng có 10 ca là công nhân Công ty Matrix được lấy mẫu tại khu vực nguy cơ cao; 14 ca test nhanh dương tính; 2 ca đại diện hộ gia đình P. Nam Dương (Q. Hải Châu) và P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ). Các ca mắc còn lại được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại một số cơ sở y tế như: Trung tâm Y tế Sơn Trà (4 ca); Trung tâm Y khoa Phúc Khang (1 ca); Bệnh viện Tâm Trí (4 ca); Bệnh viện Hoàn Mỹ (1 ca); Phòng khám Thiện Nhân (3 ca); Bệnh viện 199, Bộ Công an (4 ca); Phòng Khám Pasteur (1 ca); Phòng khám Y Đức (1 ca).

119/206 ca mắc trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như: Sơn Trà (57 ca), Liên Chiểu (27 ca), Cẩm Lệ (10 ca), Thanh Khê (9 ca), Hải Châu (8 ca) và Hòa Vang (8 ca). Một số chuỗi lây nhiễm tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc như: Công ty Matrix (18 ca); đường Thanh Vinh 5, Hòa Khánh Bắc (6 ca); tổ 28, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà (9 ca); khu vực đường Hoa Lư, P. Nại Hiên Đông (7 ca)…

Q.Sơn Trà là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong ngày nhất với 71 trường hợp, trong đó: P.Thọ Quang (8 ca), An Hải Bắc (26 ca), An Hải Đông (2 ca), Mân Thái (10 ca), Nại Hiên Đông (22 ca), Phước Mỹ (3 ca). Q.Liên Chiểu ghi nhận 57 trường hợp, trong đó: P.Hòa Khánh Bắc (25 ca), Hòa Minh (6 ca), Hòa Khánh Nam (12 ca), Hòa Hiệp Nam (6 ca), Hòa Hiệp Bắc (8 ca).

Các quận Thanh Khê 29 ca, Cẩm Lệ 13 ca, Hải Châu 19 ca, H.Hòa Vang 15 ca, 1 trường hợp về từ ngoại tỉnh. Riêng Q.Ngũ Hành Sơn không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong ngày.

Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 31.845 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCT 28.977 lượt, test nhanh 2.868 lượt người. Tính đến nay, TP đã tiêm 1.875.387 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.581 người và mũi 2 cho 908.806 người.

Hiện có 266 khu vực phong tỏa trên toàn TP với 1.412 hộ (9.526 nhân khẩu); duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 514 người.Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.218 ca mắc COVID-19, trong đó 148 ca ngoại tỉnh. Trong ngày có 78 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi. Các bệnh viện đang điều trị cho 1.831 bệnh nhân, 22 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà.

Nguy cơ đang rất cao

Tại cuộc họp chiều 13-12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, dịch bệnh trên địa bàn TP đang có nguy cơ rất cao, không thể giữ được ở mức dưới 200 ca/ngày. Mức độ lây nhiễm trong cộng đồng hiện cũng đang rất sâu, tập trung ở những nơi có nguy cơ cao, đông người, đáng chú ý là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các địa phương đang dần mất phương hướng trong việc xác định nguồn lây, khả năng truy vết cũng gặp nhiều khó khăn do người dân di chuyển nhiều nơi.

Để kiểm soát tình hình, Bí thư Thành ủy yêu cầu các xã phường, quận huyện cùng ngành Y tế tập trung phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình dịch bệnh để có căn cứ áp dụng các biện pháp mạnh. “Các địa phương phải đánh giá lại các biện pháp phòng chống dịch hiện nay có phù hợp với tình hình mới hay không để kịp thời có điều chỉnh. Bên cạnh, ngành Y cần đánh giá hiệu quả của việc điều trị F0 tại nhà để nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn TP;  kích hoạt và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động phục vụ công tác cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà; nhanh chóng thành lập các trạm y tế trong khu công nghiệp, trước mắt huy động lực lượng ở các bệnh viện công lập và ngoài công lập tham gia làm nhiệm vụ; đồng thời phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

 Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo khoanh vùng, truy vết sớm dập tắt các ổ dịch và các điểm nóng. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP xem xét tập trung lực lượng bảo vệ các đối tượng có khả năng lây nhiễm và tử vong cao. Song song đó, phải thay đổi về quan điểm xét nghiệm. Phải đánh giá, xem xét lại việc xét nghiệm trên diện rộng và có chiến lược xét nghiện mới, tránh lãng phí khi việc xét nghiệm diện rộng không mang lại hiệu quả cao như trước đây.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy những hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, nhanh chóng kéo giảm số ca nhiễm. “Các địa phương cần chủ động các biện pháp để dập dịch, không quá máy móc, chờ đợi sự chỉ đạo của TP. Ngành Y tế cần sớm bổ sung đầy đủ các phương tiện sinh phẩm cho các cơ sở y tế phục phụ công tác phòng chống dịch. TP thống nhất thành lập thêm bệnh viện dã chiến tại ký túc xá phía Tây trên đường Hà Văn Tính (Q. Liên Chiểu) để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19”, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Phi Nông