Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung gỡ vướng mặt bằng cho các dự án động lực

Thứ ba, 09/04/2024 09:00
Lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, vận động người dân bàn giao mặt bằng triển khai dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong quý I-2024 Đà Nẵng đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.076 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Có kết quả đó do ngay từ đầu năm, thành phố đã triển khai các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án công trình và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn, bao gồm việc sớm ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa của các dự án; các đơn vị có kế hoạch chi tiết và giải pháp rõ ràng đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công theo từng nhóm dự án; tập trung thực hiện nhanh công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công… Trong đó, kế hoạch và giải pháp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất quan trọng. Theo kế hoạch, năm 2024 thành phố phải tập trung xử lý, vận động người dân nhận tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB với 67 dự án. Hầu hết trong số này là các dự án trong danh mục trọng điểm, động lực, như Trục I Tây Bắc, Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, dự án Xây dựng HTKT và các công tình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng, Cầu Quảng Đà và đường dẫn, đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan, mở rộng Quốc lộ 14B… Ngoài ra, trong năm 2024 Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành giải tỏa đền bù từng phần theo phân kỳ đầu tư với 39 dự án khác.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, công tác GPMB phần diện tích 40 ha phục vụ dự án Làng đại học Đà Nẵng đang được địa phương triển khai quyết liệt. Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận cho biết, có tổng cộng 754 hồ sơ nhà, đất ở và 1.596 hồ sơ mộ cần giải tỏa trên diện tích 40ha này. Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, xem xét từng hồ sơ nhà, đất của các hộ, xuống tận nơi tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ di dời. Do đó, từ tháng 11-2023, khi lãnh đạo quận có cam kết với Ngân hàng Thế giới sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 30-4-2024, lúc đó còn 142 hồ sơ nhà, đất thì đến nay đã thực hiện giải tỏa, di dời chỉ còn 3 hồ sơ. Riêng 739 hồ sơ mộ chưa di dời, trong đó có 425 mộ vắng chủ thì tổ công tác xử lý di dời mộ vắng chủ đã rà soát, tìm thân nhân cũng như triển khai kiểm đếm xác định vị trí mộ, số hóa theo hồ sơ bản đồ, ghi hình, quay flycam hiện trạng để lưu hồ sơ cụ thể từng mộ. Sau đó, số mộ này sẽ được di dời, an táng tại Nghĩa trang An Châu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).

Tại dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (tổng vốn 1.203 tỷ đồng, dài gần 3km), là công trình trọng điểm, phải hoàn thành trước ngày 30-12-2025 để đồng bộ với dự án bến cảng Liên Chiểu, nhằm kêu gọi nhà đầu tư triển khai đầu tư vào Cảng Liên Chiểu. Do đó, ngay khi dự án triển khai thì công tác giải phóng mặt bằng được quận Liên Chiểu tập trung triển khai quyết liệt. Hiện nay, dự án di dời 286/291 ngôi mộ, đạt 98,2%; có 200/255 hồ sơ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, đạt 78%. Nhờ thực hiện tốt công tác GPMB, do vậy các đơn vị thi công tăng ca, đẩy nhanh tiến độ xây lắp, hiện đã đạt khối lượng hơn 159 tỷ đồng (gần 18%).

Thi công cầu vượt thuộc dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.

Sớm gỡ "điểm nghẽn"

Bên cạnh một số dự án động lực có tiến độ GPMB thuận lợi, hiện vẫn nhiều dự án đang gặp vướng mắc trong giải tỏa đền bù chưa thể tháo gỡ. Đơn cử dự án Trục I Tây Bắc tại Liên Chiểu triển khai từ năm 2019 với tổng vốn 692 tỷ đồng, do vướng mặt bằng, thi công kéo dài phải điều chỉnh tăng vốn lên 966 tỷ đồng. Tuy vậy đến nay dự án vẫn chưa về đích, còn 98/164 hồ sơ ở phường Hòa Khánh Bắc, 15 hồ sơ thuộc phường Hòa Minh chưa bàn giao mặt bằng. Sở dĩ những hồ sơ này chưa bàn giao mặt bằng vì xây nhà trên đất không phải đất ở nên không được bồi thường, bố trí tái định cư nên kiến nghị kéo dài. Ngoài ra, nhiều hộ bồi thường đất thấp hơn nhiều so với tiền nộp tái định cư, không đủ tiền xây nhà mới.

Chia sẻ tại hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, công tác khảo sát giá đất của Hội đồng bồi thường chưa thực sự đảm bảo đúng quy định. Quy định pháp luật việc xác định giá đất cụ thể theo giá đất phổ biến trên thị trường để bồi thường, tuy nhiên hiện nay sau khi khảo sát vẫn thực hiện bồi thường theo hệ số điều chỉnh giá đất và bảng giá đất của UBND thành phố tại thời điểm thu hồi đất. Do đó giá đất bồi thường chưa sát với giá thực tế, dẫn đến các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp, thu hồi 1 phần đất ở không được bố trí tái định cư bị thiệt thòi, gây khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài ra còn vướng mắc về địa điểm quỹ đất bố trí tái định cư (đất thu hồi ở vị trí sinh lời cao nhưng vị trí bố trí tái định cư không tương xứng; thiếu quỹ đất bố trí tái định cư theo Kế hoạch bố trí tái định cư đã phê duyệt; khu vực bố trí tái định cư chưa có đất thực tế).

Đặc biệt theo ông Chương, một số chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận, huyện chưa quyết liệt xử lý cưỡng chế thu hồi đất, ngại va chạm đối với các trường hợp đã được giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thỏa đáng, đúng quy định. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chậm trễ về tiến độ GPMB. Điển hình một số dự án đã kéo dài quá lâu đến nay vẫn chưa hoàn thành dứt điểm, như dự án Nam Bàu Mạc, Tiểu dự án Khu đô thị Bắc Bàu Tràm quận Liên Chiểu; dự án Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà, KDC Nam Phan Bá Phiến; dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1, Dự án Khớp nối HTKT dự án Khu dân cư đô thị mới Nam cầu Cẩm Lệ.

Việc tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn như trên sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải ngân đầu tư công, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho thành phố.

HẢI QUỲNH