Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Thứ năm, 16/07/2020 15:28

Ngày 15-7, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến TP Đà Nẵng.

Dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP Đà Nẵng.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ khi Chỉ thị 40 được ban hành đến nay, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền đã có văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng CSXH, chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt trong 5 năm qua, vốn tín dụng CSXH đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 226 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt trên 219 ngàn tỷ đồng với tổng số tiền đã giải ngân đạt gần 337 ngàn tỷ với trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn...

Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò của tín dụng CSXH, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng (NH) CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH đến ngày 30-6-2020 đạt hơn 19,5 ngàn tỷ đồng. Đến nay, trên toàn quốc, NHCSXH có mạng lưới hoạt động trải khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn, với gần 11.000 điểm giao dịch xã và hơn 178.000 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, ấp.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, có thể khẳng định, tín dụng CSXH là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. “Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018); 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900.000 lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn”, ông Bình nói.

Chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng việc thực hiện Chỉ thị 40 trong 5 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Vốn tín dụng được triển khai sâu rộng đến các xã, phường; nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH tăng cao. “Nhờ thực hiện tốt tín dụng CSXH, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, góp phần tăng trưởng kinh tế chung”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định. Đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn công tác tín dụng CSXH, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt hơn các chương trình tín dụng CSXH; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân; 60 Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 60 tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn.

D.HÙNG