Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung ra quân tổng dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy

Thứ hai, 05/08/2019 13:52

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại cuộc họp nghe báo cáo về diễn biến và công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 3-8.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. 

Gần 3.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Ths.Bs Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2018), không có trường hợp tử vong do SXH. Các địa phương ghi nhận số ca mắc SXH lần lượt là: Q. Thanh Khê (896 ca, tăng 3,7 lần), Q. Hải Châu (665 ca, tăng 3,3 lần), Q. Liên Chiểu (492 ca, tăng 1,5 lần), Q. Sơn Trà (455 ca, tăng 2,9 lần), H. Hòa Vang (390 ca, tăng 4,5 lần), Q. Cẩm Lệ (302 ca, tăng 2 lần), Q. Ngũ Hành Sơn (295 ca, tăng 2,4 lần). Theo Bs Tôn Thất Thạnh, thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường; khí hậu ẩm tạo điều kiện cho vật trung gian truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển… Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân trong việc tự diệt và phòng chống lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hóa chất chưa cao. Sự phối hợp của UBND xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố, ban ngành đoàn thể địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh chưa thật sự hiệu quả; đô thị hóa, nhiều nhà cửa công trình được xây dựng, xuất hiện nhiều dụng cụ phế thải chứa nước…

Để công tác phòng chống bệnh SXH trong thời gian đến được thực hiện hiệu quả, Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP đề nghị, Đảng ủy, UBND các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra giám sát và huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia vận động người dân dọn bỏ các vật dụng phế thải; đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt; khơi thông cống rãnh, hố nước tù, đọng… để loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản, phát triển của muỗi. Ngoài ra, các địa phương tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vận động người dân tự diệt lăng quăng/bọ gậy phòng bệnh SXH; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác diệt lăng quăng, bọ gậy tại địa phương; có hiện pháp xử lý đối với các hộ gia đình có lăng quăng, bọ gậy và không phun hóa chất trên địa bàn…

Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện, các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề trên địa bàn huy động giáo viên, học sinh tích cực tham gia các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi… đồng thời thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bệnh SXH cho học sinh, sinh viên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT quận/huyện và Trạm Y tế xã/ phường thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, giám sát, ghi nhận, báo cáo ca bệnh, xử lý theo đúng qui trình hướng dẫn; chú ý xử lý triệt để các ca bệnh và ổ dịch SXH trên địa bàn quản lý… 

Vận động người dân dọn bỏ các vật dụng phế thải, để loại bỏ nơi sinh sản, phát triển của muỗi là cách hiệu quả để phòng chống dịch SXH.

Không nên "khoán trắng" cho ngành y tế

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, dịch SXH có bị đẩy lùi hay không không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế, mà rất cần sự tham gia phối hợp tích cực của chính quyền các cấp, của cộng đồng.

Theo ông Lê Trung Chinh, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dịch SXH bùng phát như hiện nay xuất phát từ vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực dân cư, trong các hộ gia đình thậm chí tại các cơ quan, đơn vị... Một tồn tại chưa được khắc phục là người dân, tuy có hiểu biết về phòng bệnh SXH nhưng còn chủ quan hoặc chưa thật sự quan tâm và không có hành động cụ thể, còn trông chờ, ỷ lại vào các biện pháp y tế như phun xịt hóa chất… Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: Phòng chống dịch SXH sẽ không có hiệu quả khi làm theo kiểu "hô khẩu hiệu"; xây dựng kế hoạch phòng chống SXH chung chung, có khi có kế hoạch rồi nhưng chẳng giám sát, kiểm tra thường xuyên để đánh giá hiệu quả. Càng không nên "khoán trắng" công tác phòng chống SXH cho ngành y tế, coi việc phòng chống SXH là của trạm y tế, TTYT quận/huyện…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đề nghị Sở Y tế có văn bản tham mưu thành phố thực hiện chiến dịch phòng chống SXH. Theo đó, trước mắt, thành phố sẽ chọn 2 ngày Chủ nhật (ngày 11-8 và ngày 25-8) để tổng ra quân dọn dẹp vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng và diệt muỗi trên toàn thành phố. Sau đó, tùy theo tình hình sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo. Qua 2 ngày ra quân này, hi vọng sẽ tạo được nhận thức mạnh mẽ trong nhân dân về công tác dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi, phòng chống bệnh SXH. Đối với ngành GD-ĐT cần chỉ đạo toàn bộ các trường học tổng dọn vệ sinh và phun thuốc diệt muỗi trước khi học sinh tựu trường. Riêng các đơn vị khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị; đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh hiệu quả…

Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh: "Trách nhiệm ra quân dọn dẹp vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng và diệt muỗi thuộc về UBND các quận/huyện. Vì thế, lãnh đạo các quận/huyện phải tập trung chỉ đạo làm thật tốt, làm có chiều sâu và đạt hiệu quả cao về công tác này. Chúng ta phải làm sao để chủ nhật tới và các chủ nhật tới nữa thật sự xanh - sạch - đẹp và có được sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về công tác diệt bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi phòng chống SXH. Có như vậy dịch SXH mới có thể bị ngăn chặn và đẩy lùi".

LÊ HÙNG