Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung tham mưu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ tư, 17/03/2021 06:23

Sáng 16-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác (TCT) của Thủ tướng Chính phủ (TTCP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự hội nghị này còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn TP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Tổ công tác.

Thay mặt TCT, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm (2016-2021) hoạt động của TCT với những kết quả nổi bật nhất là đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, v.v… Bên cạnh đó, TCT đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, hiệp hội, gồm: VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước... để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính đối với doanh nghiệp cần tháo gỡ. Đặc biệt qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, TCT đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách dễ tạo kẽ hở để cán bộ công chức thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực. Trên cơ sở đó, TCT đã tham mưu cho Chính phủ, TTCP và các bộ, ngành địa phương ban hành, sửa đổi 87 nghị định, thông tư, quyết định, v.v… để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian qua, TCT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nắm bắt tình hình hoạt động trên lĩnh vực y tế, nhất là những khó khăn vướng mắc của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn doanh nghiệp; tham mưu cho Chính phủ, TTCP, Bộ Y tế ban hành kịp thời các chính sách, cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này. Đơn cử, với Nghị định 38/2012/NĐ-CP trước đây của Chính phủ về lĩnh vực an toàn thực phẩm có rất nhiều thủ tục hành chính, ví dụ như quy định doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh bánh sô-cô-la phải có đến 13 giấy phép. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, TCT đã phối hợp với Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều giấy phép, giảm đến 95% thủ tục hành chính.

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong quá trình hoạt động, TCT đã có nhiều ý kiến, thông tin chỉ đạo giúp cho Tổng cục Hải quan chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính trên lĩnh vực XNK; đặc biệt, là xử lý 21 vụ với 22 trường hợp cán bộ công chức hải quan sai phạm. Qua đó đã góp phần giúp cho kim ngạch XNK của nước ta tăng đều qua các năm, kể cả năm 2020 vừa qua là năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Phước, ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng thời gian qua, TCT đã có sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động KT-XH Bình Phước, một địa phương còn nhiều khó khăn ở khu vực Đông Nam bộ.

Các chỉ đạo, kiến nghị của TCT rất đúng đắn, hữu ích và được lãnh đạo tỉnh thực hiện kịp thời, đặc biệt là Bình Phước đã thành lập Tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của Bình Phước. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, chia sẻ: TCT đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ, TTCP và các bộ, ngành, địa phương đưa ra các chủ trương, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ Tập đoàn FPT nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, đã không chỉ nâng uy tín của đất nước trên thế giới mà còn làm cho niềm tin của người dân, của doanh nghiệp với Nhà nước, với Chính phủ ngày càng tăng lên mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì điểm cầu TP Đà Nẵng tham dự Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước, cùng sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên tiếp trong các năm qua, cả nước đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu KT-XH đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng GDP của nước ta tiếp tục tăng trưởng 2,91%, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực của TCT của TTCP với nhiệm vụ chính là đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, TTCP giao cho các bộ, ngành, địa phương. Qua các cuộc kiểm tra, đôn đốc, làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương, TCT đã tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, TTCP trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của đất nước, nhất là đối với công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử…

Về nhiệm vụ và định hướng hoạt động của TCT trong thời gian đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn TCT cần duy trì hoạt động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ, TTCP trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

PHÚ NAM