Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung toàn lực khắc phục hậu quả bão, lũ

Thứ ba, 07/11/2017 12:15

* Đã có 50 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

* Bác bỏ tin đồn vỡ hồ chứa nước Thủy điện Sông Tranh 2

Chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra. Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tình hình mưa lũ tại Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đôn đốc, chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do lở núi.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo chung của các tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) nên trong những ngày qua các tỉnh, thành Trung và Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, tại tỉnh Khánh Hòa, bão gây hư hỏng nhiều công sở, công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống thông tin liên lạc..., tổng thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng. Có 27 người chết, còn 5 người mất tích và 133 người bị thương, 993 nhà bị sập hoàn toàn, 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái; diện tích cây nông nghiệp bị thiệt hại hơn 25.311 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại hơn 1.000ha, hơn 1.100 tàu, thuyền bị chìm... Tại tỉnh Phú Yên có 6 người chết và mất tích, hơn 100 tàu thuyền bị sóng đánh chìm, trôi dạt, hơn 17.000 ha  mía đường bị hư hỏng, hơn 1.000 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Tỉnh Bình Định có 3 người chết, 3 người mất tích, hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu bị hư hỏng, 3 cầu sập, điện, nước viễn thông hư hại nặng nề và vẫn đang được khắc phục. Riêng đối với 8 tàu hàng bị chìm, tỉnh Bình Định đã huy động hơn 500 lượt CBCS, 10 tàu ra ứng cứu được 71 thuyền viên, có 13 thuyền viên mất tích (đã vớt được 10 tử thi).

Tại tỉnh Quảng Nam, đến chiều 6-11, mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn đều đạt đỉnh trên báo động 3 và đang xuống chậm. Mực nước lũ năm nay xấp xỉ đỉnh lũ năm 2009 gây ra ngập lụt trên diện rộng tại các xã thuộc huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TX Điện Bàn và TP Hội An. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ tán 4.814 hộ, với 10.620 khẩu đến nơi an toàn. Đến nay, mưa lũ đã làm 10 người chết, 10 người mất tích và 15 người bị thương.  Về nhà ở thì có 3 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 107 nhà bị thiệt hại từ 50 - 70%. Về thủy lợi, kênh mương bị sạt lở khoảng 8.000m, 1.100m bờ biển Cửa Đại bị sạt lở, sạt lở tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (H. Bắc Trà My)... Ước tính sơ bộ thiệt hại ban đầu của tỉnh Quảng Nam do mưa lũ là 250 tỷ đồng.

Đến chiều tối 6-11, tỉnh TT-Huế đã có 4 người chết và 4 người mất tích do bão lụt. Cùng ngày, lực lượng cứu hộ cứu nạn cùng người thân đã tìm thấy thi thể hai cha con ông Phan Văn Quốc (57 tuổi) và Phan Thị Thúy (25 tuổi, trú xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy) khi đang đi xe máy qua gần trung tâm xã đã bị nước lũ cuốn trôi cả xe và người...

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 14 giờ ngày 6-11, H. Hòa Vang có 9/11 xã với 72/119 thôn bị ngập, tổng số hộ bị ngập hơn 7.500 hộ. Tại khu vực đô thị, ngập lụt cũng xảy ra tại một số khu dân cư của quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. “Trước những thiệt hại do bão gây ra, TP Đà Nẵng đã huy động toàn lực để khắc phục. Đến 23 giờ 30 đêm 5-11, đã hoàn thành việc khắc phục toàn bộ khối lượng cây xanh bị ngã, đổ, thiệt hại. Các sở, ngành, các quận huyện đã tập trung huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh môi trường, khắc phục cây xanh ngã đổ, dựng lại hàng rào, cổng chào, các biển quảng cáo, pa-nô phục vụ tuyên truyền Tuần lễ Cấp cao APEC, khắc phục các đoạn đường bị sạt lở để đảm bảo lưu thông”-ông Minh nhấn mạnh.



Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do lở núi.

Hội An nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt để đón APEC

Theo thống kê, tính đến ngày 6-11, Hội An đã di dời hơn 1.000 người khỏi những vùng nguy hiểm. Đặc biệt, đêm 5-11, hơn 130 công nhân tham gia thi công dự án công viên Ấn tượng Hội An trên cồn nổi Gami được các lực lượng gồm BCH Quân sự tỉnh, Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam và Đồn Biên phòng Cửa Đại ứng cứu, đưa vào bờ kịp thời trước khi nước lũ dâng. Nước lũ dâng cao bằng với mức lũ lịch sử năm 1999, khiến Hội An chìm ngập trong nước, gây nhiều thiệt hại. Bãi biển Cửa Đại tan hoang do sóng lớn, cuốn trôi hàng ngàn mét khối cát, khiến nỗ lực bơm cát của chính quyền địa phương trước đó trở thành “công dã tràng”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, đến nay chưa thể triển khai công tác kè chống xói lở ở Cửa Đại theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. “Kè chống xói lở ở Cửa Đại sẽ được triển khai trong một hai ngày đến, hiện nay thành phố đang tập trung ứng cứu người dân trong vùng ngập sâu và tập trung khắc phục các thiệt hại để chuẩn bị cho các hoạt động APEC diễn ra trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay những tuyến đường chính phục vụ APEC như Nguyễn Thị Minh Khai, Quảng trường Sông Hoài và khu phố cổ... còn chìm sâu trong lũ. “Ngoài các địa điểm chính diễn ra một số hoạt động quan trọng tại APEC đã bị ngập, đến sáng 6-11, toàn bộ khu đi bộ phố cổ bị ngập sâu trong nước. Chúng tôi rất lo lắng vì phố cổ sẽ là nơi để quan khách, truyền thông, các đại biểu tham quan chụp ảnh, là điểm nhấn chính của APEC lần này nhưng giờ nước đã ngập sâu. Nếu nước rút chậm mọi thứ sẽ rất khó khăn”, ông Sơn trăn trở.

Trong ngày 6-11, kiểm tra tình hình lũ lụt tại Hội An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh yêu cầu TP  phải sớm khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh để phục vụ các hoạt động APEC. “Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa nhân vật lực và phương tiện để Hội An kịp xử lý sau lũ. Trước mắt, tỉnh sẵn sàng điều động 200 người và phương tiện xe PCCC, xe chở bùn, rác cho Hội An để chuẩn bị tiến hành công việc, lũ rút tới đâu, làm sạch tới đó. Tuy lũ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự kiện này, nhưng phải tích cực đảm bảo tốt không gian, địa điểm như đã dự kiến để phục vụ APEC”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bãi biển Cửa Đại tan hoang vì sóng biển.

Bác tin đồn vỡ hồ thủy điện

Tại cuộc họp chiều 6-11, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác ứng phó với mưa, lũ và di dân đến nơi an toàn trong những ngày qua của các cấp, các ngành trong tỉnh. Ông Thu cũng bác bỏ thông tin về hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ, gây hoang mang cho dư luận dân trong vùng lũ. Qua tìm hiểu, nguồn tin đồn trên xuất phát từ một nhóm thanh niên chạy xe máy quanh thị trấn Trà My la hét với nội dung vỡ thủy điện Sông Tranh 2. Tin đồn nhanh chóng lan ra khắp trong và ngoài địa bàn huyện. Trước sự việc trên, huyện đã chỉ đạo cho đài truyền thanh, xe lưu động thông báo không có sự cố xảy ra cho người dân huyện biết để được yên tâm, đồng thời đã yêu cầu lực lượng CA vào cuộc điều tra làm rõ tin gây hoang mang dư luận trên.

“Hiện BCH Phòng chống lụt bão tỉnh tiếp tục ứng phó, đồng thời di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày tới. Giải pháp khắc phục, khẩn trương tiến hành thông tuyến giao thông, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với các trường hợp còn lại, tiến hành sửa chữa nhà, các hồ thủy lợi trong thời gian đến. Sau khi nước đến sẽ nhanh chóng khắc phục, vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho các sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Hội An...”, ông Thu nhấn mạnh.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Sáng 6-11, sau khi thị sát tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những cố gắng của chính quyền địa phương trong việc ứng phó với mưa lũ, kịp thời di tản người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với những nạn nhân còn mất tích, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần gấp rút nhưng phải đảm bảo an toàn cho những người tham gia tìm kiếm, bởi tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, đồi núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Phó Thủ thướng cũng lưu ý, những hộ dân đang còn nằm trong diện sạt lở, nằm trong vùng nguy hiểm cần phải sơ tán triệt để nhằm giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về con người. “Đặc biệt là đối với những đập thủy điện nhỏ, yếu, chất lượng không đảm bảo thì cần phải có sự giám sát chặt chẽ để có phương án đối phó kịp thời. Đối với UBND huyện cần phải nắm chắc tình hình của từng người dân, đảm bảo không để người dân bị đói trong mưa bão”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp chiều cùng ngày, Thượng tướng Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đến nay, lực lượng quân đội đã huy động hơn 12.000 CBCS, 140 tàu thuyền để hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn người dân. Hiện còn khoảng 10.000 CBCS đang sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ nếu có yêu cầu. Lực lượng quân đội cũng đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm số người bị mất tích trong sạt lở đất tại tỉnh này.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn-Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua đợt bão lũ này thì phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy hiệu quả. Lực lượng vũ trang các địa phương đã thực hiện trách nhiệm của mình một cách đầy đủ. Tại thời điểm này, Bộ CA, CATP Đà Nẵng, CA Quảng Nam cùng với nhiệm vụ phòng chống thiên tai vẫn phải đảm bảo ANTT cho sự kiện APEC 2017. Trước mắt Bộ CA đã trích hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa 1 tỷ đồng, Bình Định, Phú Yên mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Còn đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngành điện đang rất nỗ lực và chờ nước rút đến đâu thì khắc phục điện đến đó. Hiện tại Khánh Hòa đã khắc phục được 70%. Phú Yên khắc phục được 59-60% phụ tải toàn tỉnh. Riêng tại Đà Nẵng, EVN đã có một bộ phận túc trực tại Đà Nẵng, đảm bảo công tác cấp điện cho Đà Nẵng để phục vụ các sự kiện APEC.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những thiệt hại của bà con, chia buồn với những gia đình có người chết, người mất tích trong cơn bão vừa qua đồng thời khẩn trương chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục khẩn trương khắc phục những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo bố trí kinh phí 1.000 tỷ đồng để giúp các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 12 và mưa lũ khắc phục thiệt hại... Ngoài ra, các tỉnh bị thiệt hại nặng được chỉ đạo hỗ trợ 500 tấn gạo, các tỉnh ít thiệt hại hơn sẽ được hỗ trợ từ 100-200 tấn gạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trực tiếp chỉ đạo các Bộ QP, Bộ CA, Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương, ngành điện lực, các địa phương ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo có điện trở lại trong thời gian sớm nhất, huy động lực lượng quân đội dựng lại nhà cửa cho nhân dân, đảm bảo giao thông đi lại nhất là trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và phải đảm bảo cơ số thuốc nhất định để cứu chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời tiến hành kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, các địa phương giải quyết tốt các chính sách, hỗ trợ cho người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt là phải đảm bảo tốt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại  Đà Nẵng.

NHÓM P.V