Tập trung toàn tâm, toàn ý cho giáo dục
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Chính phủ hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đây là dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục.
Luật Nhà giáo được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP của Chính phủ, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Tham gia góp ý dự thảo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành nêu, ngày 25-5-2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BGDĐT quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ đó, việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và tổ chức dạy học trong trường phổ thông theo quy tắc chính tả này. Nhưng hiện nay, văn bản hành chính hàng ngày, ngay cả các văn bản của Bộ GD-ĐT (dự thảo Luật Nhà giáo) cũng không áp dụng, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Cũng theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, trong Chương 4 về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ở mục 2, Điều 27 về hợp đồng dạy học có nêu Hợp đồng dạy học xác định thời hạn chỉ được ký không quá 2 lần với cùng 1 cơ sở giáo dục; sau đó cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn nếu nhà giáo vẫn tiếp tục làm việc trừ nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo thỉnh giảng. Quy định này hiện đang áp dụng trong các doanh nghiệp (cơ sở giáo dục ngoài công lập).Theo ông Thành, cần xem lại Điều này. Cụ thể, Điều 27 chưa quy định rõ ràng, cụ thể cơ sở giáo dục đó bao gồm công lập, ngoài công lập? “Nhiều nhà giáo đã hợp đồng 2 năm tại 1 cơ sở giáo dục công lập nhưng vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế, cơ sở giáo dục đang hợp đồng muốn hợp đồng tiếp tục với giáo viên đó thì có được không?”- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT băn khoăn nêu.
Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, TS. Lưu Anh Rô - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng thống nhất quy định tiền lương của nhà giáo nên được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, vì phải đảm bảo đời sống cho nhà giáo thì nhà giáo mới yên tâm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục; đúng với chủ trương của Đảng "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm nêu lại 2 ý kiến nghị của Liên đoàn Lao động thành phố đó là chế độ chính sách dành cho giáo viên mầm non vẫn chưa thỏa đáng; thứ 2 là lực lượng nhân viên cấp dưỡng tại các trường có học sinh bán trú chưa được nhắc đến trong dự thảo Luật…
Góp ý dự thảo luật, đại biểu đại diện Sở nội vụ thành phố và Đại học Đà Nẵng cho rằng, có nhiều vấn đề trong dự thảo luật liên quan đến Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động, còn chồng chéo trong cụm từ “hợp đồng làm việc” và “hợp đồng lao động”, do đó cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, tránh xung đột giữa các Luật. Nhiều nội dung cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi về trình độ chuẩn, yêu cầu công tác của nhà giáo. Cần có sự quy định thống nhất chế độ làm việc liên quan đến từng cấp học, vì chế độ tiền lương, phụ cấp còn nhiều bất cập, khiến các trường đại học khó tuyển dụng các giảng viên có trình độ cao; khó thực hiện các chức danh phó giáo sư; chưa quy định chi tiết về các giảng viên người nước ngoài được mời giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu để quản lý, sử dụng nguồn lực này hiệu quả, hợp lý. Cần thay đổi cách hiểu trong việc “điều động” nhà giáo từ cơ sở giáo dục sang cơ quản quản lý giáo dục hay “thay đổi chức danh nghề nghiệp”; cần bảo đảm sự công bằng đối với những người làm công tác nghiên cứu và quản lý hành chính.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần thống nhất cách gọi, các thuật ngữ trong dự thảo Luật; cần điều chỉnh chức danh của nhà giáo trong các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan đến giáo dục, giúp nhà giáo tận tâm tận lực với công việc. Bên cạnh đó, cần bảo đảm quyền lợi, tính nhân văn trong việc trả lương theo chế độ lương bảo hiểm khi nhà giáo bị bệnh, bị tai nạn hay được thông báo chấm dứt hợp đồng khi bị cưỡng bức, ngược đãi…; chế độ chính sách với giáo viên mầm non còn chung chung. Mặc các, dự thảo Luật chưa đề cập đến lực lượng nhân viên phục vụ trong các trường tổ chức bán trú…
Kết luận hội nghị, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, hội nghị đã có 11 lượt đại biểu tham gia phát biểu các vấn đề đa dạng từ lĩnh vực giáo dục mầm non, đến giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… Các ý kiến phát biểu, góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo được đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu, tổng hợp ý kiến và báo cáo với Thư ký Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 8 sắp đến.
Thanh Hoa