Báo Công An Đà Nẵng

Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh

Thứ sáu, 03/08/2018 08:36

Ngày 2-8, ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về công tác xây dựng Đảng và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND; Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Giám đốc các sở, ngành và đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng và một số doanh nghiệp về CNTT.

Các Sở, ngành trình bày ý kiến tại buổi làm việc.

Doanh thu ngành CNTT tăng cao

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo khá chi tiết và đầy đủ về công tác tổ chức bộ máy, xây dựng Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của các đoàn thể. Kết quả năm 2017, Đảng bộ Sở TT&TT được Đảng ủy Khối các cơ quan TP công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Riêng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, tổng doanh thu toàn ngành năm 2017 đạt 21.750 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2016.

Đối với việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của TP giao trong năm 2017, Sở TT&TT đã hoàn thành việc tham mưu UBND TP ban hành Khung kiến trúc TP thông minh của TP Đà Nẵng, triển khai các giải pháp tổng thể để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp CNTT theo đề án phát triển dịch vụ của TP; đề xuất các giải pháp toàn diện và tổ chức thực hiện công tác quản lý báo chí trên địa bàn TP.

Riêng trong năm 2018, Sở TT&TT tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm khác do UBND TP giao. Đó là, tham mưu UBND TP triển khai thực hiện thử nghiệm giải pháp truyền thanh IP trên hệ thống truyền thanh cơ sở tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và H.Hòa Vang với quy mô gồm 10 cụm loa truyền thanh IP. Đề án TP thông minh giai đoạn 2018-2025 cũng được Sở TT&TT tham mưu UBND TP xây dựng, gắn với việc tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai tổ chức hoạt dộng “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng năm 2018” theo đúng tiến độ. Bên cạnh đó, Sở TT&TT còn đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trên địa bàn TP cũng như điều tra, xác định, đánh giá và đề xuất các biện pháp xử lý trang thông tin điện tử chưa xác định chủ thể quản lý đăng tải thông tin liên quan về Đà Nẵng vi phạm quy định pháp luật.

Khai thác triệt để CNTT

Sau khi nghe thêm ý kiến từ Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và lãnh đạo các sở, ngành, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã phát biểu kết luận buổi làm việc. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, hiện tại, Đà Nẵng chỉ mới dừng lại ở mức công nghiệp nhỏ chứ chưa có công nghiệp mang tính nền tảng, bền vững. Hiệu quả từ Khu Công viên phần mềm số 1 thuần túy chỉ quản lý làm gia công, góp phần giải quyết lao động, chưa sáng tạo để có sản phẩm phần mềm đóng gói, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. “Do vậy, cần phải chủ động, sáng tạo, ứng dụng và khai thác triệt để CNTT và phải xây dựng cho được khung kiến trúc, thu hút nguồn nhân lực tinh túy hơn để phát triển công nghiệp CNC, công nghiệp sạch, tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho thành phố phát triển. Đó là kỳ vọng của thành phố và cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta”-Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở và nguồn nhân lực là điều rất quan trọng để làm cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, bởi đây chính là nền tảng ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả nhất. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở TT&TT, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở TN&MT phải đi đầu trong CCHC để giải quyết vấn đề này. Cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu sớm để nhanh chóng hình thành khung dữ liệu của ngành mình phục vụ cho nhiệm vụ chung của TP.

“Đà Nẵng đã quan tâm sớm và đi đầu trong ứng dụng CNTT nên những năm qua đã đạt được những chỉ số tốt, nhưng không được chủ quan. Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng phải đối mặt với áp lực rất lớn từ vươn lên của các địa phương khác nên phải khẩn trương duy trì các chỉ số đã có; không được để tụt hậu”-Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu TP cũng lưu ý, cần phải khai thác có hiệu quả hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt, phân cho từng cấp quản lý để phục vụ cho công tác đảm bảo ANTT, an toàn, an ninh cho khách du lịch. Đối với công tác quản lý báo chí, Bí thư Thành ủy yêu cầu “Làm việc với báo chí không có vùng cấm mà phải công khai, minh bạch, trách nhiệm và cả tính xây dựng trong nội dung để trả lời, không được né tránh. Đây chính là lực lượng tuyên truyền mạnh mẽ và có hiệu quả trong quá trình góp phần cùng thành phố xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, thành phố đáng sống”.

PHƯƠNG KIẾM

Lấy 4 thành phố trực thuộc Trung ương làm hạt nhân liên kết các đô thị thông minh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Đề án phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Trong đó, thực hiện rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển đô thị thông minh bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia giai đoạn 1; hỗ trợ tối thiểu 3 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm các giải pháp đô thị thông minh...

Đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh. Trong đó, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh, ưu tiên cho các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ tầng ICT; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai đoạn; thí điểm áp dụng cơ chế cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh...

Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

THU THỦY