Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-8, Bộ KH&ĐT triển khai các bước chuẩn bị cho Hội nghị ngành KH&ĐT từ ngày 7 đến 9-8 tại TP Đà Nẵng.
Dự kiến, Hội nghị sẽ tập trung đánh giá các nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh, giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào các nội dung lớn như: Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020), xây dựng KH&ĐT trung hạn 5 năm 2016-2020; lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; phổ biến và hướng dẫn cách tính toán chỉ tiêu giá trị gia tăng trong nước của các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương; phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu...
Trước đó, ngày 5-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm ANCT&TTATXH; củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Theo Chỉ thị 22, diễn biến ở biển Đông có thể có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đất nước. Trong ảnh: Tàu thuyền của ngư dân miền Trung neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sẵn sàng vươn khơi bám biển. Ảnh: N.L |
Theo Chỉ thị 22, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ở trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt các diễn biến ở biển Đông có thể có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh những khó khăn, thách thức giai đoạn 2016 - 2020 nước ta cũng có nhiều thuận lợi khi thế và lực của đất nước sau gần 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều.
Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước. Những kết quả bước đầu của tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển đất nước. Sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng 6,5 - 7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.
Chỉ thị nêu rõ: Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các đoàn thể, các hiệp hội sản xuất và tiêu dùng, cộng đồng dân cư, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước.
Theo Chỉ thị, giao Bộ KH&ĐT hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 trong tháng 8-2014; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tính toán, xây dựng các phương án tăng trưởng kinh tế và các cân đối lớn trong quý IV năm 2014; tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2015, trình Chính phủ trong quý II năm 2015 và báo cáo Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp cuối năm 2015.
Chỉ thị 22 nêu rõ: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hướng dẫn các ngành, các cấp xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
Đối với chỉ tiêu tổng giá trị tăng thêm trong nước trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cho giai đoạn 2011 - 2013; các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê rà soát, ước thực hiện năm 2014, dự kiến năm 2015 và ước thực hiện cả giai đoạn 2011 - 2015, làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu này cho Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020.
Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với định hướng phát triển của cả nước, trình cấp có thẩm quyền; đồng thời, báo cáo các cơ quan cấp trên, các cơ quan Trung ương theo tiến độ quy định. Gửi dự thảo báo cáo Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương đến Bộ KH&ĐT trước ngày 30-11-2014.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 22.
Q.S - B.T