Báo Công An Đà Nẵng

Tàu câu mực QN 95889 trôi dạt ở vùng biển Nha Trang: Tiếp tục bám tàu, bám biển

Thứ ba, 02/09/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, nhiều hộ dân ở xã Bình Minh (H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đứng ngồi không yên trước thông tin tàu cá mang số hiệu QN95889 của ông Phan Thu với 32 thuyền viên bị chết máy cách bờ 135 hải lý trên vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Mặc dù đã được lai dắt vào bờ an toàn nhưng 32 thuyền viên của tàu cá vẫn không về Quảng Nam mà quyết tâm ở lại Nha Trang đợi sửa tàu để tiếp tục vươn khơi. Cả làng chài đang thấp thỏm từng ngày bởi nếu không thể ra khơi sớm sẽ có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng.

Có mặt tại nhà chị Trần Thị Chín (1973, vợ thuyền trưởng Phan Thu) một ngày sau khi tàu cá QN 95889 được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV lai dắt vào bờ, không khí lo lắng vẫn bao trùm căn nhà. Với những người phụ nữ làng chài thì mỗi chuyến đi biển là một lần họ đánh cược toàn bộ tài sản, gia đình làm “vốn” vươn khơi. Chỉ cần một chút sơ sẩy, không may mắn là chuyến đi coi như lỗ nặng bởi cái được thì chỉ một nhưng cái mất thì đến 10. Là một trong 13 chủ tàu của làng chài Bình Minh, tàu cá của gia đình anh Phan Thu đưa vào sử dụng năm 2012 với đầu tư gần 3 tỷ đồng.

Chị Chín cho biết, suốt từ hôm tàu gặp nạn đến nay chị ăn không ngon ngủ không yên một phần vì lo lắng cho chồng phần khác người thân của 32 thuyền viên thường xuyên sang nhà hỏi han, trách móc. Chị Chín kể: “Tàu của chồng tôi ra khơi từ ngày 19-8 tuy nhiên vừa đến cửa An Hòa (Núi Thành) thì bị chết máy nên phải neo lại sửa 5 ngày 6 đêm. Chỉ riêng tiền neo đậu thôi đã tính 500 ngàn đồng còn chưa kể đến tiền công sửa chữa lên tới hàng chục triệu đồng. Chẳng ngờ khi ra đến Nha Trang tàu lại bị hỏng máy như cũ, chuyến này đi chưa biết lời lỗ thế nào mà đã thấy bao nhiêu chuyện chẳng lành”, chị Chín buồn bã.

Chị Chín lo lắng về số tiền đầu tư vươn khơi.

Chị Chín kể, trưa 28-8 chị bỗng nhận được điện thoại từ Tổng đài ở Nha Trang thông báo tàu gặp nạn ngoài khơi và thời tiết đang rất xấu nên tàu cứu hộ khó khăn trong việc tiếp cận. Quá lo lắng nhưng không có cách nào liên lạc được với chồng nên chị đành phải đợi. Đầu giờ chiều thì chị nhận được điện thoại của chồng thông báo tìm gấp thợ sửa tàu và phải mua thiết bị thay mới tận trong TPHCM vì tàu bị hỏng máy đang trôi dạt ngoài biển. “Khi ấy vợ con các thuyền viên khác cũng tập trung ở nhà tôi, nghe dự báo thời tiết xấu mà ai cũng lo lắng có người khóc trách tại đi chuyến này mà chồng con họ không biết sống chết thế nào. Mãi cho đến 1 giờ đêm tôi mới nhận được điện thoại của bên tìm kiếm cứu nạn là đã tiếp cận được tàu và đang trên đường lai dắt tàu vào bờ nhưng phải mất gần 1 ngày nữa mới cập bến”, chị Chín nhớ lại.

Còn chị Nguyễn Thị Lý, vợ thuyền viên Hồ Tám, cho hay: “Gia đình tôi gom góp vay mượn 10 triệu đồng cho anh Tám đi biển lần này. Riêng tiền đan mủng câu mực đã hết 6 triệu đồng chưa kể chi phí khác chuẩn bị cho 2 tháng đi biển. Lúc nghe tin tàu gặp nạn tôi hoảng hồn đứng ngồi không yên, giờ chồng an toàn rồi nhưng còn nỗi lo tài chính tôi không biết phải làm sao. Trưa nay chồng tôi có gọi điện thoại thông báo phải ở lại đợi tàu sửa thì lại ra biển nhưng nếu sửa lâu quá thì cũng đành phải bắt xe về quê, chuyến này coi như mất trắng”.

Một tàu câu mực ở xã Bình Minh.

Về phần mình, ở nhà chị Chín lo chạy tiền để gửi gấp số tiền 200 triệu đồng cho thợ đi mua máy móc sửa chữa. Chỉ riêng số tiền đầu tư ăn uống, xăng dầu cho 2 tháng câu mực đã lên đến trên 400 triệu đồng giờ thêm tiền sửa chữa máy móc lên đến gần 1 tỷ đồng. Hiện nay tàu câu mực này vẫn đang neo đậu ở cảng Nha Trang, tuy nhiên vì máy móc bị hỏng nặng nên chưa biết cụ thể thời gian sửa chữa trong bao lâu. Trong khi đó, những thức ăn mang theo đang dần bị hỏng. Chị Chín thở dài: “Tình hình ni tôi phải đón xe vô Nha Trang để phụ với chồng. Chứ nếu để thuyền viên bỏ về quê hết thì gia đình tôi chỉ có nước ôm nợ vì đã đầu tư cả tỷ đồng cho chuyến đi này. Quan trọng nhất là nếu đi chuyến này không thành công lần sau thuyền viên không đi tàu mình nữa thì tôi chẳng biết phải làm sao”.

Khi được hỏi sửa tàu xong, anh Thu và các thuyền viên sẽ quyết định ra sao, chị Chín khẳng định: “Chồng tôi và tất cả anh em thuyền viên đều quyết tâm bám tàu, sau khi sửa chữa xong là xuất bến ra khơi. Không bám biển thì biết lấy gì bù lỗ, trả nợ?”.

H.D