Báo Công An Đà Nẵng

Tàu container khổng lồ mắc cạn, kênh đào Suez kẹt cứng

Thứ sáu, 26/03/2021 13:24

Một tàu vận tải container khổng lồ có chiều dài bằng 4 sân bóng đá đã mắc kẹt tại kênh đào Suez của Ai Cập, gây tắc nghẽn giao thông ở một trong những tuyến thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Theo BBC, hàng chục tàu thuyền bị mắc kẹt theo đang chờ đợi các tàu cứu hộ tới giải thoát cho con tàu dài 400m bị gió lớn xô đẩy làm trệch hướng. Sự cố xảy ra ở đoạn kênh cũ do chính quyền của Tướng Abdul Fattah al-Sisi cho xây và hoàn tất năm 2015 với chi phí 8 tỷ USD. Ai Cập đã mở lại kênh cũ của kênh đào để chuyển hướng một số giao thông cho đến khi con tàu bị mắc cạn có thể di chuyển trở lại.

Con tàu trọng tải 200.000 tấn bị gió mạnh làm lệch chuyển hướng lái và mắc kẹt ở kênh đào Suez. Ảnh: EPA

Mắc kẹt cả hai hướng

Tờ Sputnik dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết, tàu container tên là Ever Given, dài 400m, rộng 59m, chở tổng cộng 219.079 tấn hàng, treo cờ Panama. Con tàu 200.000 tấn, được đóng vào năm 2018 và do Cty vận tải Evergreen Marine vận hành.

Tàu hàng khổng lồ này đã đi qua Tanjung Pelepas ở Malaysia và đang trên đường tới Rotterdam, Hà Lan. Theo dự kiến, tàu sẽ đến cảng trong vòng một tuần nữa nếu không có sự cố mắc kẹt trên. Nhưng nó đã bị mắc cạn và nằm nghiêng trên tuyến đường thủy vào khoảng 7 giờ 40 (giờ địa phương) hôm 24-3. Với chiều dài 400m và rộng 59m, con tàu đã chặn đường đi của các tàu khác hiện đang bị mắc kẹt ở cả hai hướng. Cty quản lý tàu container, Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), đã phủ nhận các báo cáo trước đó rằng con tàu đã nổi trở lại trên mặt nước một phần.

Kênh đào Suez được xây dựng từ năm 1859 tới năm 1869 theo chỉ đạo của kỹ sư Pháp Ferdinand de Lesseps, bằng tiền của chính phủ Ai Cập và Pháp. Tuy nhiên, năm 1875, Ai Cập mất mọi quyền kiểm soát kênh đào sau khi chính phủ mắc nợ nặng nề và buộc phải bán cổ phần trong Cty quản lý kênh đào cho Anh. Năm 1956, khi hợp đồng thuê 99 năm của Cty trên hết hạn, Tổng thống Ai Cập khi đó Gamel abd al-Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào. Sau đó, lực lượng Anh, Pháp, Israel xâm chiếm khu vực kênh đào, đóng cửa nó gần một năm. Dưới áp lực của Mỹ và Liên Xô, các nước này buộc phải rút lui.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez nhộn nhịp, vốn nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa Châu Á và Châu Âu. Kênh đào này thường đón 47 tàu mỗi ngày. Tuy nhiên, do nhỏ hẹp, va chạm thường xảy ra. Năm 2014, hai tàu container lớn đã va vào nhau ở đầu phía bắc kênh đào. Năm 2018, 5 con tàu đã đâm liên hoàn vào nhau trong kênh đào do một tàu hỏng động cơ.

Có thể mất nhiều ngày

Ai Cập đã phải huy động toàn lực để tìm cách khiến con tàu Ever Given nhúc nhích. Trong một bức ảnh, có thể thấy máy xúc đang tìm cách đào bới quanh mũi tàu để nó thoát khỏi bờ cát. Cả chục tàu kéo đang tìm cách đẩy con tàu ra vùng nước sâu hơn.

Trong một tuyên bố, Cty Evergreen Marine cho biết "các ưu tiên trước mắt là làm nổi lại con tàu một cách an toàn và để giao thông hàng hải trong Kênh đào Suez được an toàn nối lại". Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo quá trình này có thể mất vài ngày. Reuters dẫn các nguồn tin địa phương, nói có ít nhất 30 tàu bị chặn ở phía bắc của tàu Ever Given, và 3 tàu khác ở phía nam. Evergreen Marine nói con tàu "nghi bị gió tạt mạnh đột ngột khiến thân tàu bị lệch... và vô tình đụng vào đáy biển và mắc cạn". BSM xác nhận rằng, tất cả phi hành đoàn đều "an toàn và đầy đủ", không có tin tức nào về thương tích. 8 chiếc tàu kéo đang làm việc để làm nổi lại con tàu, và cát được loại bỏ nhờ các việc đào cuốc từ đáy biển, từ nơi con tàu bị đẩy chèn vào cạnh của bờ kênh. Tiến sĩ Sal Mercogliano, một nhà sử học hàng hải có trụ sở tại bang Bắc Carolina, Mỹ, nói với BBC rằng, những sự cố như thế này rất hiếm, nhưng có thể gây ra "những ảnh hưởng lớn đối với thương mại toàn cầu".

KHẢ ANH