Tàu sân bay của Anh đến gần cửa ngõ Biển Đông
Khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans (trước), tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth (sau) và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen (ngoài cùng, bên phải) tham gia diễn tập Passex ở eo biển Malacca vào ngày 25-7. |
Tàu sân bay của Anh Queen Elizabeth đang trên đường tới Singapore, trong khi một số chiến hạm trong nhóm hộ tống đã tiến vào Biển Đông, động thái khiến giới truyền thông Trung Quốc cảnh cáo là cụm tàu sân bay này nên tránh thâm nhập khu vực 12 hải lý của Trung Quốc.
Tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần đến Biển Đông sau đợt tập trận với Hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vừa qua. Dựa trên tuyên bố trước đó của Hải quân Anh, HMS Queen Elizabeth khi tiến vào Biển Đông sẽ được hộ tống bởi các tàu chiến thuộc CSG 21 gồm: khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Richmond, khu trục hạm có trang bị tên lửa HMS Defender, tàu chở dầu Tidespring, tàu ngầm Artful, khu trục hạm của Mỹ USS Sulivan, khinh hạm của Hà Lan Evertsen.
Khu trục hạm HMS Defender và tàu tiếp dầu HMS Tidespring tách nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sau khi kết thúc Diễn tập Konkan với hải quân Ấn Độ ngày 21 và 22-7 tại vịnh Bengal. Cả hai tàu vượt qua eo biển Singapore và đi vào Biển Đông ngày 24-7. Từ sáng 25-7, tàu khu trục Defender đã cập cảng Brunei còn chiếc tàu chở dầu Tidesping thì đã rời cảng Singapore để tiến về Biển Đông. Tàu sân bay MHS Anh Queen Elizabeth chuẩn bị cập bến tại Singapore, đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Austin Lloyd đang có mặt tại nước này trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc Anh tuyên bố sẽ điều thêm 2 tàu chiến đến Châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới sẽ giúp chia sẻ gánh nặng duy trì an ninh trên biển, tự do hàng hải với Mỹ trong khu vực và sẽ gây áp lực lớn lên Trung Quốc. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các nhà quan sát quân sự Trung Quốc cho rằng, quyết định của Anh có khả năng giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của liên minh tình báo Five Eyes (còn gọi là Ngũ Nhãn) do Mỹ dẫn đầu cùng với Anh, Australia, New Zealand và Canada.
Ngoài ra, theo một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, kế hoạch hiện diện cố định của hai tàu chiến Anh ở vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân ở khu vực này nhưng có thể khiến Trung Quốc chịu áp lực chính trị rất lớn từ dư luận quốc tế.
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến Châu Á hôm 22-5, với lịch trình thăm 40 quốc gia và tham gia hơn 70 đợt phối hợp trên biển. Trên đường trở về Anh sau hải trình, nhóm tác chiến Queen Elizabeth dự kiến tham gia diễn tập Bersama Lima vào tháng 10 với Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore.
HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ cập cảng Singapore theo kế hoạch trước đó của Bộ Quốc phòng Anh. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ có chuyến thăm chính thức Singapore trong cùng thời gian này. Hiện vẫn chưa rõ ông Austin có đến thăm các tàu thuộc CSG21 hay không.
Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào từ phía Trung Quốc về sự hiện diện của nhóm tấn công tàu sân bay của Anh trong khu vực mặc dù HMS Queen Elizabeth sẽ có hoạt động tuần tra thậm chí là diễn tập quân sự trên Biển Đông. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc, trong đó tờ Global Times đề cập đến sự kiện nói trên và cảnh báo: "Điều tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý thuộc chủ quyền của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" tại Biển Đông và đó là "một sai lầm" của Anh.
KHẢ ANH