Báo Công An Đà Nẵng

Tàu xe sau Tết: Đà Nẵng thảnh thơi, Huế khan hiếm

Thứ hai, 15/02/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Mặc dù rơi vào thời gian cao điểm, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình tàu, xe sau Tết tại Đà Nẵng vẫn cơ bản ổn định, không có đột biến. Trong khi đó, tại TT-Huế du khách lại bị nhà xe "bắt chẹt" giá ngất ngưởng vì khan hiếm xe.

Mặc dù là ngày cao điểm nhưng lượng hành khách đến Ga Đà Nẵng vẫn thưa thớt
(ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 14-2).

Đà Nẵng: Xe nhiều, giá ổn định

Lúc 15 giờ ngày 14-2, có mặt tại Ga Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy tình hình ở đây diễn ra khá bình thường. Tại 4 quầy bán vé, lượng hành khách đến mua rải rác, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội vé (Chi nhánh vận tải Đường sắt Đà Nẵng, thuộc Cty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết: Thời gian cao điểm để triển khai bán vé tàu Tết được chia làm 2 đợt: trước Tết từ ngày (29-1-2015 đến ngày 6-2-2016) và sau Tết từ ngày (11-2 đến 23-2). Đợt trước Tết, Đội vé tại Đà Nẵng đã bán cho hơn 18 ngàn lượt hành khách, chủ yếu đi về các tỉnh Bắc miền Trung và phía Bắc; đợt sau Tết (tính đến ngày 13-2) đã bán cho hơn 11.400 lượt hành khách, chủ yếu đi vào các tỉnh phía Nam. Liên quan đến giá vé tàu Tết, ông Thanh cho biết thêm: Trước Tết giá vé đi về các tỉnh phía Bắc tăng từ 20 đến 25%, đi vào các tỉnh phía Nam giảm 40%; sau Tết giá vé đi vào các tỉnh phía Nam tăng 40% và đi ra giảm từ 20-25%. "So với các năm trước, công tác bán vé tại Ga Đà Nẵng thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho hành khách. Cụ thể, từ ngày 1-10-2015, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phối hợp với liên doanh nhà thầu FPT thực hiện giai đoạn 2 việc bán vé tàu Tết qua hệ thống điện tử, lấy số tự động nên đã giải được phần nào bài toán chen lấn, lộn xộn như những năm trước đây", ông Thanh nhìn nhận.

Bên cạnh việc triển khai vận chuyển hành khách theo quy định chung, thì trong các ngày từ ngày 10-2 đến 13-2, Ga Đà Nẵng cũng đã lập thêm 1 đến 2 đoàn tàu để vận chuyển hành khách vào các tỉnh phía Nam để giải quyết nhu cầu đi lại của hành khách. Theo đó, hầu hết các đoàn tàu này đã bán hết vé, với khoảng 1.800 lượt hành khách đi tàu.

Hành khách lên, xuống tàu tại Ga Đà Nẵng.

Tại Bến xe khách Đà Nẵng, trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng vào chiều 14-2, ông Hà Duy Rin, Phó giám đốc Bến xe trung tâm cho biết, nhờ bám sát kế hoạch số 02 về việc phục vụ Tết Bính Thân 2016 (từ 29-1 đến 17-2) tức ngày 20-12 (Âm lịch) đến 17-12 (âm lịch) nên Cty Cổ phần Vận tải và quản lý bến xe khách Đà Nẵng (Cty CPVT&QLBX) đã chủ động hoàn toàn trong việc giải quyết lượng khách đi lại  qua bến. Cũng theo ông Rin, trong dịp Tết Nguyên đán 2016, lượng khách tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, tính từ 20-12 (AL) đến 29-12 (AL), Bến xe Đà Nẵng xuất 13.806 lượt xe, tăng 109,85% (so với năm 2015), phục vụ 405.442 khách (tăng 113% so với năm 2015). Từ ngày 1-1 (AL) đến 6-1 (AL), có 5.663 xe xuất bến (tăng 108,51% so với năm 2015), phục vụ 169.595 hành khách (tăng 114, 75% so với năm 2015). Lượng khách đông song Cty CPVT&QLBX đã chủ động giải quyết ổn thỏa, không để xảy ra tình trạng quá tải và nâng giá vé quá cao so với quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, 16 giờ 30 mồng 7 (nhằm ngày 14-2), vẫn có một lượng khách khá đông đến phòng vé tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng liên hệ mua vé đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tất cả đều được đáp ứng đầy đủ, đúng theo nguyện vọng. Chuẩn bị lên xe BKS 43B-014.50 của nhà xe Quốc Đạt về Tây Nguyên, em Hoàng Thị Hoài Thương (21 tuổi, sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng) cho biết: "Năm nay em ở lại ăn Tết tại Đà Nẵng, chiều mồng Bảy (nhằm 14-2) mới về quê Đắc Lắc. Em đặt mua vé từ ngày 23-12 (AL) và nhận thấy giá tương đối cao hơn so với ngày thường nhưng dễ mua".

Ông Dương Quang Linh, Phó trưởng ban Bảo vệ Bến xe Đà Nẵng cho biết thêm, tuy khách đông nhưng việc đảm bảo ANTT trong bến vẫn luôn được duy trì ổn định. Trước Tết, CA các đơn vị, địa phương chủ động làm tốt công tác phòng ngừa nên không xảy ra phức tạp về ANTT trong bến, chỉ có 3 trường hợp khách để quên hành lý tại bến và đã được lực lượng bảo vệ liên hệ trả lại.

TT-Huế: Xe "dù" nở rộ

Nếu ngày thường, giá vé xe khách đi từ Huế- TPHCM dao động từ 600-800 ngàn đồng thì sáng mồng 7 Tết, hành khách phải trả 1,8 triệu đồng để có một chỗ ngồi trên xe khách để kịp vào Nam. Anh N. H.T. (trú P. Phú Hội, TP Huế) do chủ quan sẽ đặt được vé máy bay đi Sài Gòn vào mồng 7 Tết để kịp sáng mồng 8 đi làm ngày đầu tiên nhưng anh thất vọng vì vé không còn, cả vé hạng thương gia vẫn "cháy". Không còn cách nào khác, để kịp công việc, anh nhờ người quen đặt mua cho 1 vé xe khách loại 50 chỗ và được nhà xe "hét" giá 1,8 triệu đồng. Không còn sự lựa chọn nào khác, anh T. đành "bấm bụng" đi xe khách. Tương tự, sáng mồng 7 Tết, anh Bi (42 tuổi, trú X. Lộc Thủy, H.Phú Lộc, TT-Huế), công nhân may cũng bắt xe dọc đường trên QL1A qua H. Phú Lộc để vào TPHCM với giá vé 1,3 triệu đồng.

Xe khách đi TPHCM chờ bắt khách dọc đường trên tuyến QL1A
đoạn qua xã Lộc Sơn (H.Phú Lộc, TT-Huế).

Cũng trong sáng mồng 7 Tết, tại Bến xe phía Nam TP Huế có khá đông hành khách đến đón xe vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên. Một số hãng xe giường nằm có phòng vé tại Bến xe phía Nam TP Huế cho biết đã bán hết vé chiều đi từ Huế - TPHCM trong vài ngày tới. Trong đó, hãng xe Phi Long cũng hết vé đến ngày 18-2 (ngày 11 Tết), hãng Tâm Minh Phương, Minh Phương cũng cho biết hết vé đến 21-2 (ngày 13 Tết).... Dọc tuyến QL1 đi qua tỉnh TT-Huế, chiều mồng 6 và sáng mồng 7 Tết, có khá đông người dân đứng đợi đón xe vào Nam. Tuy nhiên, sau nhiều giờ chờ đợi, nhiều người thất vọng phải trở về nhà vì không đón được xe hoặc bị "hét" giá quá cao. Đây là các điểm đón xe tự phát, hành khách đi lại chủ yếu đón các hãng xe từ các tỉnh phía Bắc chạy vào, nhiều nhà xe hét giá từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/vé nhưng chỉ còn ghế phụ, cho chiều vào TPHCM.

Ở các tuyến phố, tại các "điểm giao dịch" xe opentour trên đường Nguyễn Thái Học, Chu Văn An (TP Huế) dù không có tuyến nhưng rất nhiều xe ung dung dừng "vợt" khách ra các tỉnh phía Bắc. Ông Phạm Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết tình trạng xe "dù" hoạt động khá mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng đi lại của hành khách sau dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Sơn, dù Bến xe Quảng Điền ở thị trấn Sịa, H. Quảng Điền đã được Cty này đưa vào khai thác hơn 2 tháng nay với nhiều tuyến vào TPHCM, Tây Nguyên nhưng đến thời điểm hiện tại không có xe nào vào đăng ký bến. "Tại bến xe các hãng đăng ký với giá vé bán ra chỉ từ 600.000 đồng-800.000 đồng/vé có bao ăn uống dọc đường nhưng các xe "dù" lại hét giá đến 1,2-1,3 triệu đồng/vé, chất lượng phục vụ thì không đảm bảo" - ông Sơn nói.

Trước tình trạng khan hiếm xe vào Nam, từ ngày mồng 5 đến giữa rằm tháng Giêng, CTCP Bến xe Huế đã huy động 140 lượt xe các tuyến phục vụ hành khách. Trong đó, tuyến Huế - TPHCM có 30 lượt xe xuất bến/ngày, với một nửa số xe này là xe tăng cường (tăng gấp đôi so với ngày thường).

Doãn Hùng - Đinh Nga- Hải Lan