Báo Công An Đà Nẵng

Taxi truyền thống khóc ròng vì Uber, Grab (Bài 1: Uber, Grab như “nấm sau mưa”)

Thứ năm, 11/01/2018 21:00

Mượn công nghệ kinh doanh vận chuyển khách, Grab, Uber không còn xa lạ đối với người dân các thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng. Loại hình kinh doanh cũng đang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn, chưa có câu trả lời cuối cùng. Vậy Grab, Uber hoạt động ra sao, được ai cho phép và có lợi ích gì cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước? P.V Báo Công an TP Đà Nẵng vào cuộc tìm hiểu.

Nhiều lái xe Grab, Uber cho hay, do lượng xe quá nhiều nên cũng phải cạnh tranh gay gắt.

Hơn 2 năm trước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép Grab thực hiện thí điểm tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Từ đó, xe Grab tăng lên hàng trăm chiếc ở mỗi địa phương và hiện tại lên đến hàng ngàn chiếc. Ban đầu, đối tượng “bắt tay” với Cty này chủ yếu là xe gia đình tranh thủ thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Họ cược tiền mượn công nghệ rồi ăn chia tỷ lệ: Chủ xe 75%, Grab 25% sau mỗi chuyến xe. Do làm ăn tốt, nhà nhà, người người đổ xô đi mua xe theo Grap. Người có tiền nhàn rỗi có, người vay ngân hàng mua xe cũng nhiều vô số. Cty này cũng đưa ra tiêu chí, xe hoạt động Grab phải là xe đời mới.

Theo tìm hiểu của P.V, ngay thời điểm đầu Grab hoạt động tại Đà Nẵng, do các hãng taxi truyền thống phản ứng dữ dội, ngành Giao thông và TP đã có văn bản gửi Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan với nội dung, chưa đồng ý cho Grab thí điểm vì nhiều lý do. Thứ nhất, taxi Đà Nẵng đủ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Thứ hai, Grab hoạt động không hề đóng thuế cho Nhà nước. Trước ý kiến của Đà Nẵng, Bộ GTVT cũng đã có ý kiến phải tôn trọng Đà Nẵng. Nhưng, Grab không những không dừng hoạt động mà lượng xe còn tăng nhanh một cách chóng mặt. Đối mặt với thực trạng này, TP, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra giao thông ra quân xử lý. Mức phạt cũng khá cao theo quy định, song chỉ như muối đổ biển. Do lực lượng mỏng, và muốn phạt phải cài đặt ứng dụng, lên xe, ghi âm, ghi hình và trả tiền cước mới xử phạt được. Sau mỗi lần phạt, ứng dụng của cán bộ đi xử lý lập tức bị khóa ngay, kèm theo cảnh báo của Grab: “Chúng tôi phát hiện một số hoạt động nghi ngờ của đối tác, nên buộc phải tạm ngừng sử dụng ứng dụng tài khoản của quý đối tác”. Phạt được vài chục vụ, thấy không hiệu quả, cuối cùng đến nay gần như thả nổi. Vậy là Grab tiếp tục đăng tin tuyển dụng lái xe, thả cửa kinh doanh đón khách như taxi trên phố.

Trong khi đang “bó tay” với Grab thì Uber sau một thời gian “hoạt động bí mật” cũng công khai hoạt động thí điểm tại Đà Nẵng đầu tháng 8-2017. Đơn vị này đăng tin tuyển dụng trên website cá nhân và các mạng xã hội khác để thu hút những chủ xe có nhu cầu hợp tác với Uber như Grab trước đó. Xe của Uber cũng mọc ra như nấm sau mưa, vận chuyển khách kèm theo khuyến mãi “khủng” để hút khách hàng về với mình, có những chuyến giảm tới 50% ngay thời điểm công bố thử nghiệm. Sở GTVT Đà Nẵng đã có văn bản gửi Cty TNHH Uber Việt Nam, yêu cầu đơn vị này chưa được triển khai thử nghiệm ứng dụng tại địa phương.

Chỉ cần vào ứng dụng gọi Grab, Uber, xe hiện lên dày đặc.

Ghi nhận của chúng tôi những ngày qua cho thấy, xe Grab, Uber đang lăn bánh rợp phố. Bất kỳ điểm nào, chỉ cần vào ứng dụng chọn địa điểm cần đến, ít nhất 10-15 xe hiện lên trước màn hình kèm theo giá tiền khách phải trả. Những điểm trung tâm TP như chợ Hàn, chợ Cồn, đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, 2 Tháng 9... có vài chục xe sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách. Với người dân, do giá rẻ hơn taxi (khoảng 10-20% giá cước) và liên tục có chương trình khuyến mãi, nên ai cũng cài đặt phần mềm sử dụng Grab, Uber. Khi có công việc cần, lúc mưa bão, sau vài phút có xe đón tận nhà. Xe nhiều đến nỗi, tài xế còn vào cả khu vực sân bay giở “chiêu” để hoạt động. Cụ thể, hàng chục lái xe đã sắm cho mình 1 bảng tên vờ đón khách đoàn ghi đặc chữ Tây, chữ Tàu, sau đó “gà” khách đi xe. Xử lý thực trạng này, lực lượng an ninh hàng không sân bay cho hay, từ tháng 8-2017 đến nay đã lập biên bản phạt gần 100 trường hợp vi phạm quy định vận tải hành khách.

Do xe Grab, Uber quá đông, 2 năm qua các hãng taxi truyền thống đúng là lâm cảnh “khóc ròng” do kinh doanh ế ẩm. Thậm chí, quá mệt mỏi, hàng loạt tài xế chạy truyền thống nghỉ việc, vay tiền ngân hàng mua xe rồi đầu quân cho Uber, Grab. Anh Tuấn, lái taxi Tiên Sa cho hay, sau 8 năm theo nghề thì 1 năm qua là thời gian khó khăn nhất đối với anh cũng như hàng trăm lái xe khác của hãng. Trước đây, nếu thu nhập mỗi tháng 12-15 triệu đồng thì hiện tại chỉ còn khoảng 1/3. Tất nhiên, ảnh hưởng là do sự xuất hiện của hàng ngàn xe Grab, Uber, dẫn đến lượng khách lớn bị chia sẻ. “Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng quản lý chặt các loại hình kinh doanh này, bởi xe Grab, Uber kinh doanh vận chuyển khách thu tiền như taxi, nhưng gần như đang bị thả nổi, mạnh ai nấy chạy” - anh Tuấn nói. Chung ấm ức như anh Tuấn, nhiều lái xe các hãng khác như Mai Linh, VinaSun... cũng mong chính quyền và các cấp, ngành phải có giải pháp căn cơ để quản lý, vì thực tế Grab, Uber đang hoạt động kinh doanh sai quy định.

Trong chuyến thực tế, chúng tôi biết có những tuyến đường rất ngắn, như khu vực sau lưng bến xe, P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà... có cả chục gia đình mua xe cho người thân chạy Grab, Uber. Hỏi những người chạy Grab, Uber rằng “làm ăn tốt lắm?” thì câu trả lời chung là “thời gian đầu được lắm, mỗi tháng thu nhập 20-25 triệu sau khi trừ chi phí. Nhưng nay lượng xe quá nhiều, phải chia sẻ khách nên tháng nào chạy tốt chừng 12-15 triệu đồng”. Cũng vì xe nhiều nên hầu như ai cũng đăng ký chạy cả 2 mạng Grab và Uber. Lại hỏi, “làm sao để chạy được Grab, Uber?, tài xế tiết lộ: “Đơn giản thôi, đăng ký vào một hợp tác xã, mỗi tháng trả 100 ngàn đồng. Tiếp theo là nộp phí sử dụng công nghệ của Grab, Uber vài triệu đồng rồi chạy, ăn chia 75-25”. Đúng là đơn giản, ai cũng có thể tham gia nên chuyện xe Grab, Uber “như nấm sau mưa” là thực tế.

Theo Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, nếu như đầu năm 2017, xe Grab, Uber hoạt động chỉ vài trăm xe thì hiện nay, qua nhiều kênh khác nhau, Hiệp hội thống kê được thì số xe đã tăng lên gần 4.000 xe, hơn gấp đôi tổng số xe của tất cả các hãng taxi tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Hiền - Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa, thừa nhận, công nghệ của Grab, Uber rất tiên tiến, nhưng hoạt động kinh doanh của họ không ai quản lý được. Nếu đã cạnh tranh thì phải công bằng, lành mạnh, còn thả nổi Grab, Uber, taxi truyền thống sẽ chết. “Có một thực tế rất vô lý đang tồn tại là Grab và Uber hoạt động như taxi, nhưng lại không tuân thủ một quy định nào. Tôi dẫn chứng, chiếc taxi lăn bánh trên đường phải đảm bảo rất nhiều yếu tố như đồng hồ tính tiền, định vị, phù hiệu, giá cước, logo, số điện thoại, màu sắc nhận diện cũng như thủ tục pháp lý khác. Rồi thuế, chúng tôi đóng đủ cho Nhà nước không thiếu 1 xu, trong khi Grab, Uber đang trốn một lượng thuế rất lớn, chưa một bộ ngành nào quản lý được. Kinh doanh như vậy không công bằng, gây áp lực cho taxi truyền thống của chúng tôi” - ông Hiền bức xúc.

(còn nữa)

CÔNG HẠNH