Báo Công An Đà Nẵng

Tây Ban Nha tìm lại công lý cho “những đứa trẻ bị đánh cắp”

Thứ hai, 25/06/2018 17:30

Vào thời điểm đó, chính quyền độc tài Francisco Franco muốn sàng lọc để “thay đổi ý thức hệ và cải thiện nòi giống Tây Ban Nha” cho những “thiên tài bẩm sinh”. Đây là một phần trong kế hoạch thanh trừng thành phần Cộng hòa bại trận của nhà độc tài Franco, kẻ chiến thắng trong nội chiến ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi chế độ Franco gần đến ngày tàn, mọi việc bắt đầu phát triển như một hệ thống mafia ngầm, hoạt động chỉ vì tiền. Khoảng 300.000 trẻ em bị bán trong thời gian đó.

Ước tính có hàng chục ngàn trẻ sơ sinh đã bị đánh cắp trong nhiều thập kỷ dưới thời nhà độc tài Franco. Ảnh: AFP

Một cựu bác sĩ sẽ bị đưa ra xét xử vào hôm nay (26-6) tại Madrid vì cáo buộc tội “ăn cắp” những trẻ em sơ sinh, vụ bê bối ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình dưới thời chế độ độc tài Francisco Franco ở Tây Ban Nha.

Đó là Eduardo Vela, một bác sĩ sản khoa, hiện 85 tuổi ở bệnh viện San Ramon, Madrid. Đây là người đầu tiên liên quan vụ bê bối “trẻ sơ sinh bị đánh cắp”. Vela bị nghi ngờ tham gia vào vụ ăn cắp bé Ines Madrigal (nay đã 49 tuổi) khỏi tay mẹ đẻ vào năm 1969. Madrigal đã cáo buộc bác sĩ Vela giả mạo giấy khai sinh của mình để mẹ nuôi, người đã qua đời, được coi như cha mẹ ruột.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, vụ bê bối “những đứa trẻ bị đánh cắp” mới được phanh phui vào năm 2011. Hàng chục ngàn trẻ em đã bị các bà sơ, linh mục và bác sĩ bắt cóc và buôn bán cho người khác, dưới thời độc tài Francisco Franco. Mọi việc bắt đầu từ những năm 1930 và tiếp tục đến những năm 1990.

“Những đứa trẻ bị đánh cắp”

Khi Madrigal 18 tuổi, mẹ nuôi nói bà đã được nhận làm con nuôi. Vào năm 2010, bà đọc một bài báo về vụ “ăn cắp trẻ sơ sinh” mô tả bệnh viện nơi bà được sinh ra như là điểm trung tâm của nạn buôn bán trẻ em trong những năm 1960 và 1970. “Ôi lúc đó tôi nghĩ... đừng nói rằng đây là trường hợp của tôi”, bà Madrigal, một công nhân đường sắt hiện đang sống ở vùng đông nam Murcia, nói với AFP trước khi đến dự phiên tòa xét xử. Bà đã tìm hiểu và phát hiện, giấy khai sinh của mình đã bị giả mạo. “Đó là một cú sốc lớn”, bà Madrigal nói thêm.

Manoli Pagador sống ở Getafe, vùng ngoại ô dành cho tầng lớp lao động ở thủ đô Madrid. Bà Pagador có 3 con gái và rất nhiều cháu. Nhưng bà không bao giờ có thể quên được đứa con trai mà người ta đã lấy đi cách đây 40 năm. Năm 1971, Pagador, khi đó mới 23 tuổi không chồng mà có con. Bà đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. 9 giờ đằng đẵng chờ đợi, bà được một bà sơ lạnh lùng báo tin “đứa bé đã chết”. “Khi tôi yêu cầu được nhận xác con về chôn cất thì được bệnh viện thông báo đứa bé đã được chôn trong ngôi mộ tập thể ở nghĩa địa Almudena ở Madrid… Tôi không tin nhưng không thể buộc tội họ nói dối. Vì đó là thời của chế độ độc tài Franco”, bà nhớ lại.

Phiên tòa lịch sử

Vào thời điểm đó, chính quyền độc tài Francisco Franco muốn sàng lọc để “thay đổi ý thức hệ và cải thiện nòi giống Tây Ban Nha” cho những “thiên tài bẩm sinh”. Đây là một phần trong kế hoạch thanh trừng thành phần Cộng hòa bại trận của nhà độc tài Franco, kẻ chiến thắng trong nội chiến ở Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, khi chế độ Franco gần đến ngày tàn, mọi việc bắt đầu phát triển như một hệ thống mafia ngầm, hoạt động chỉ vì tiền. Khoảng 300.000 trẻ em bị bán trong thời qian đó. Và bê bối này liên quan chặt chẽ đến Giáo hội Công giáo bao gồm cả bệnh viện, trường học và những nhà giữ trẻ. Tên của bác sĩ Eduardo Vela được các nạn nhân nhắc đến nhiều nhất. Và giờ đây, kẻ liên quan lớn nhất này bắt đầu đền tội. Bác sĩ Vela bị cáo buộc tội làm giả các giấy tờ, nhận con nuôi và giam giữ trẻ em bất hợp pháp. Luật sư của ông Vela từ chối bình luận khi được AFP liên lạc.

Hiện có ít nhất 2.000 đơn kiện khác cho các vụ việc tương tự đã được đệ trình lên tòa án nhưng cho đến nay đây là vụ xét xử đầu tiên. Soledad Luque, người đứng đầu một hiệp hội có tên là “Tất cả những đứa trẻ bị đánh cắp cũng là con của tôi”, cho biết, nhiều trường hợp phải hoãn xét xử do thiếu bằng chứng hoặc vì tòa án phán quyết thời hạn pháp lý để đệ đơn kiện đã hết.

Rõ ràng, thời gian đòi lại công bằng chắc chắn sẽ còn kéo dài, nhưng tất cả hy vọng, chính phủ Tây Ban Nha có thể đưa ra một đạo luật mới tạo điều kiện xét xử những kẻ đã từng gây ra tội ác năm xưa.

KHẢ ANH