Báo Công An Đà Nẵng

Tây Nguyên: Gồng mình đối phó với lũ dữ

Thứ sáu, 20/09/2013 09:55

(Cadn.com.vn) - Đến trưa ngày 19-9, nhiều thôn, buôn ở các xã Cư Kbang, Ea Rơi, Ea Rốc (H. Ea Súp) vẫn chìm trong biển nước, nhiều con đường giao thông bị tê liệt. Hiện cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể 2 người bị lũ cuốn trôi, còn 6 người mất tích do lũ vẫn chưa được tìm thấy.

Vẫn còn 6 người mất tích

3 ngày nay, mưa lớn, cộng với nước từ thượng nguồn Ea Hleo, Krông Buk đổ về khiến 8/10 xã, thị trấn ở H. Ea Súp chìm trong biển nước. Đến trưa 19-9, mực nước đã giảm nhưng nhiều thôn, buôn ở xã Cư Kbang, Ea Rơi, Ea Tmốt vẫn ngập dưới dòng nước lũ khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kỷ (thôn 9, xã Ea Rốc) ngồi trên nền nhà ngập nước vừa buồn rầu nói: “nhà bị ngập 3 ngày nay, đỉnh điểm là ngày hôm qua, nước ngập nhà hơn 1,5m buộc gia đình phải kéo nhau lên gác nhà để tránh lũ. Lũ cũng đã cuốn đi 6 con trâu, bò, làm ngập 2 mẫu lúa đang thu hoạch. Bây giờ nước vẫn còn ngập, tài sản bị cuốn trôi hết, không biết gia đình chúng tôi sống bằng gì nữa”. Còn anh Cẩm Bá Nang (thôn 9, xã Ea Rớt) không giấu nổi vẻ buồn rầu: “nước ngập hơn 1m làm đồ đạc trong nhà bị lũ cuốn. 3 ngày nay gia đình phải lên gác ăn mỳ tôm sống qua ngày”.


Nhiều căn nhà ở xã Cư Kbang chìm trong “biển nước”.

Mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường giao thông ở Ea Súp bị tê liệt như tuyến liên xã Ea Lê - Ea Rốc, Ea Bông - YTmốt, đường liên H. Ea Súp - Cư Mgar. Sáng 19-9, con đường liên thôn 9 (xã Ea Rốc) bị ngập sâu hơn 1m, nước chảy xiết khiến người dân 2 bên vùng đã bị chia cắt. Để di chuyển, người dân buộc phải di chuyển trên xe công nông chở khách. Mưa lũ cũng khiến nhiều trường học ở H. Ea Súp phải đóng cửa. Đặc biệt hơn, lũ dữ đã khiến nhiều người chết và mất tích. Tính đến trưa ngày 19-9, lực lượng chức năng đã vớt được 2 thi thể bị lũ cuốn trôi là anh là Đào Văn Lý (1964, thôn 13, xã Cư Kbang) và chị Hầu Thị Mỵ (1960, thôn 14, xã Cư Kbang), 3 người khác may mắn được đưa về nơi an toàn, hiện vẫn còn khoảng 6 người ở xã Cư Kbang đang mất tích do lũ vẫn chưa được tìm thấy. Hiện công tác tìm kiếm vẫn đang được tích cực triển khai.

 Lực lượng chức năng chuẩn bị phương tiện để cứu hộ.

Theo thống kê của Ban phòng chống lụt bão H. Ea Súp đến trưa ngày 19-9 cho biết, toàn huyện có 49 thôn bị ngập, gần 1.600 ha lúa bị ảnh hưởng và hàng trăm ha diện tích hoa màu khác cũng bị thiệt hại nặng nề; 65 km đường giao thông bị ngập, 11 cầu cống bị ngập, hư hỏng; có  trường học, 1 trụ sở UBND xã bị ngập.

Ca nô đoàn cứu hộ đi tìm kiếm người mất tích ở xã Cư Kbang.

Tích cực ứng cứu

Trước tình hình lũ dữ đang hoành hành ở các xã biên giới H. Ea Súp, đoàn lực lượng chức năng liên ngành tỉnh Đắc Lắc tích cực huy động lực lượng, phương tiện xuống tìm kiếm những người còn mất tích ở xã Cư Kbang. Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND H. Ea Súp cho biết: “Mấy ngày nay, huyện đã huy động lực lượng của Ban phòng chống lụt bão huyện, xã, công an, lực lượng quân sự xuống địa bàn tìm kiếm người mất tích, đồng thời di tản dân ra vùng ngập sâu. Việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nơi ngập sâu, nước chảy xiết, phương tiện thiếu”. Sáng 19-9, lực lượng chuyên ngành tỉnh đã huy động thêm lực lượng, phương tiện xuống địa phương để tiếp tục tìm kiếm cứu hộ.

Đường giao thông thôn 9, Cư Kbang bị ngập, người dân di chuyển bằng xe công nông.

Trao đổi với ông Trang Quang Thành – Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Qua kiểm tra hầu hết các địa phương đã có phương án ứng phó thiên tai, lụt bão cũng như chủ động, sẵn sàng triển khai phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn với phương châm 4 tại chỗ. Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn ở 2 huyện bị lũ, lụt nặng nhất là huyện Ea Hleo và Ea Súp”.

Gia Đình bà Nguyễn Thị Kỷ nước ngập sâu gần 1,5 m đã cuốn trôi nhiều trâu bò, hoa màu.

Đồng thời, tại huyện Ea Súp, các chiến sĩ Đồn 735 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc) đã kịp thời phát hiện và tổ chức cứu hộ thành công 4 cán bộ, chiến sĩ của nước bạn Campuchia khi bị cô lập giữa dòng nước lũ tại chốt 9, đồn Ô Lưu. Đồng thời, đưa 4 người về đến Đồn 735 an toàn.

   Thống kê sơ bộ của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Đắc Lắc, lũ dữ gây ảnh hưởng đến 4 huyện trên địa bàn, trong đó nặng nhất là ở 2 huyện Ea Hleo, Ea Súp. Riêng H. Ea Hleo có 8/12 xã bị ảnh hưởng lũ, ngập lụt, huyện Ea Súp 8/10 xã bị ngập lụt. Đặc biệt H. Ea Súp có hơn 2.100 nhà bị ngập và 2.110 hộ phải di dời. Về công trình thủy lợi đã có 7 công trình bị hư hỏng; 14 cầu cống bị cuốn trôi và hư hỏng; 2 cầu bán kiên cố bị trôi và nhiều đoạn đường giao thông bị hư hỏng; khoảng hơn 2.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng.

Đường xá ngập sâu khiến giao thông đi lại khó khăn.

Hữu Phúc – Minh Tân

Gia Lai -  Mưa lũ đã làm ngập 215 căn nhà của người dân ở các xã Ia Lâu, Ia Piơr (H. Chư Prông) và Ia Le (H. Chư Pưh); ngập một số tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Ia Piơr, xã Ia Le và một số đoạn trên tỉnh lộ 666 qua Lơ Pang (H. Mang Yang); ngập 1 cầu treo tại xã Ia Piơr và 3 cầu tràn tại xã Ia Le khiến người dân không đi lại được, gây cô lập hơn 24 giờ…

Kon Tum - Đến đầu giờ chiều 19-9, tỉnh lộ 677  bị sạt lở nhiều đoạn làm giao thông đi lại rất khó khăn; tỉnh lộ 676 ách tắc ở nhiều đoạn với hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở, các tuyến đường liên thôn, liên xã tại huyện Kon Plông bị tê liệt; Tuyến đường tỉnh lộ 673 bị sạt lở gây ách tắc 3 chỗ tại km 0-300 gây chia cắt 4 xã phía đông huyện Đăk Glei là: Ngọc Linh, Đăk Choong, xã Xốp, Mường Hoong. Bên cạnh đó, một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố bị lầy lội (khoảng 2,5km) và làm sạt lở khoảng 99m mặt đường, khối lượng sạt lở khoảng 4.400m3 gây khó khăn cho giao thông.