Tây Nguyên: Mưa lớn vẫn đe dọa nghiêm trọng đến nhiều địa phương
Ngày 9-8, dù mưa đã không còn diễn ra trên diện rộng, tuy nhiên tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục đe dọa đến một số địa phương trên các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, sự cố kẹt cửa van tại thủy diện Đăk Kar (H. Đăk Rlấp, Đăk Nông) đã đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn vùng hạ du, hàng nghìn người dân đã phải di dời đến nơi an toàn. Tính đến thời điểm ngày 9-8, trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên đã có 8 người thiệt mạng do mưa lũ.
Ông Nguyễn Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk cùng các đơn vị động viên, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ. |
Đến thời điểm này, sự cố kẹt van cửa xả hồ thủy điện Đăk Kar trong quá trình đang thi công đã được khắc phục. Tuy nhiên, nguy cơ vỡ đập, tràn hồ vẫn rất cao khi mưa vẫn tiếp tục đổ xuống khu vực này, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn khu dân cư thuộc hạ lưu của các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương và ngành chức năng khẩn trương di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đơn vị thủy điện cùng các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh tình huống vỡ đập đột ngột xảy ra. Các địa phương Đăk Nông và vùng hạ du sẵn sàng mọi phương tiện, lực lượng để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Ban Chỉ đạo cũng đã cử 2 đoàn công tác đến hiện trường đập thủy điện Đăk Kar phối hợp cùng 2 tỉnh Đăk Nông và Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý.
Ngay trong chiều tối và suốt đêm ngày 8-8, tỉnh Bình Phước đã di dời 220 hộ/1.000 dân đến nơi an toàn và đến ngày 9-8, đã di dời thêm 4.000 người dân. H. Đăk Rlấp (Đăk Nông) cũng đã di dời hàng chục hộ dân của xã Đăk Ru sống ở khu vực lòng hồ thủy điện và cử các lực lượng tăng cường tuần tra tại các điểm, không để người, phương tiện qua lại khu vực hạ du lòng hồ thủy điện và các vùng có nguy cơ gặp nạn. Tại Lâm Đồng, 150 hộ dân ở H. Cát Tiên và 150 hộ dân tại H. Đạ Tẻh cũng sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố. Tỉnh lân cận với Lâm Đồng là Đồng Nai cũng tiếp tục di dời 1.200 hộ dân sống ven sông ở H. Tân Phú để đảm bảo an toàn.
Một sự cố nghiêm trọng khác do mưa lũ gây ra là tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) với 6 điểm sạt lở cùng hơn 1.000m3 đất đá đổ xuống đường. Giao thông trên tuyến Quốc lộ 20 này bị tê liệt hoàn toàn. Trong đó, vào tối ngày 8-8, tại Km97 đoạn qua TT Đạ M’ri (H. Đạ Hoai), vụ sạt lở lớn đã đẩy xe khách giường nằm BKS 49B-016.85 đang mắc kẹt trên đèo xuống vực sâu 50m. Vụ việc đã khiến 5/24 người trên xe khách này bị thương nặng. Ngay sau khi nhận tin báo, chính quyền và các lực lượng Công an, Quân đội, dân quân cùng người dân địa phương với hơn 100 người cùng máy móc, phương tiện tìm mọi cách tiếp cận hiện trường nhằm triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.
Ống xả bị sự cố gây sạt lở dưới chân đập khiến nguy cơ mất an toàn tại hồ chứa thủy điện Đăk Kar. |
Trong sáng ngày 9-8, lãnh đạo cùng các ban, ngành địa phương các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng đã tiếp tục khảo sát thực tế tại các vùng mưa lũ, chỉ đạo kịp thời ứng phó cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ thân nhân gia đình có 3 người tử nạn do bị sạt lở đất vùi lấp. Đoàn công tác của UBND tỉnh Đăk Nông cũng đã có mặt tại công trình thủy điện xảy ra sự cố Đăk Kar để kiểm tra, chỉ đạo công tác xử lý cũng như công tác đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
Tại tỉnh Đăk Lăk, lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành, đơn vị đã đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt thiên tai nhằm tiếp tục nắm tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do thiên tai; khẩn cấp phát lương thực, thực phẩm giúp người dân vùng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai, tại Tây Nguyên đã có khoảng 1.500 căn nhà bị ngập và hơn 10.000ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng do ngập úng. Tính đến sáng ngày 9-8, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 9 người thiệt mạng do mưa lũ.
MINH TÂN