Tây Phi sốt vó vì Ebola
(Cadn.com.vn) - Những thi thể nạn nhân Ebola nằm rải rác trên đường phố trong khi các quốc gia Tây Phi nỗ lực kiềm chế đại dịch có nguy cơ lan rộng khắp thế giới này.
Bất chấp lệnh cấm và cảnh báo về nguy cơ lây lan rộng khắp, người thân các nạn nhân Ebola tại Liberia vẫn đưa các thi thể ra đường phố vì lo ngại nhiễm bệnh. Những hành động đang gieo thêm nhiều rắc rối cho chính phủ các nước Tây Phi vốn đang nỗ lực thực thi các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn đợt bùng phát virus đã giết chết 887 người.
Các giới chức mang các thi thể nhiễm bệnh Ebola đi hỏa táng. Ảnh: Reuters |
Mối lo từ các thi thể
Các ổ dịch Ebola được phát hiện hồi tháng 3 tại các vùng rừng hẻo lánh của Guinea, nơi số người chết đang tăng lên chóng mặt.
Tại Nigeria, nơi ghi nhận cái chết đầu tiên từ Ebola vào cuối tháng 7, chính quyền Lagos ngày 6-8 cho biết có thêm một y tá chết do nhiễm virus Ebola. Theo Reuters, tại nước láng giềng Sierra Leone và Liberia, nơi các ổ dịch lan rộng và nhanh nhất, chính quyền triển khai quân đội để cách ly khu vực biên giới, nơi 70% các trường hợp được phát hiện. 3 quốc gia này cùng công bố loạt những biện pháp cứng rắn để kiềm chế bệnh, đóng cửa các trường học và áp đặt cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, tại thủ đô Monrovia của Liberia, nơi người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc nội chiến 1989-2003, người thân các nạn nhân Ebola kéo lê thi thể người chết trên đường phố bụi bẩn mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Khi chỉ có ít hơn một nửa trong số những người nhiễm bệnh còn sống sót, nhiều người Châu Phi coi các khu cách ly Ebola như bẫy chết. “Họ đem những thi thể ra ngoài đường và tự đặt mình vào nguy hiểm dù chúng tôi yêu cầu mọi người hãy để các thi thể ở nhà để các giới chức đến đưa đi”, ông Brown nói với Reuters. Ông Brown cho biết, nhà chức trách bắt đầu hỏa táng các thi thể nhiễm bệnh sau khi người dân phản đối chôn cất trong các khu phố.
Ngoài mối lo chết người, dịch bệnh Ebola còn khiến phủ bóng mây u ám lên nền kinh tế vốn èo uột của các nước Tây Phi. Bộ trưởng Tài chính Liberia Amara Konneh cho biết, dự báo tăng trưởng trong năm nay không còn “kết quả của sự bùng nổ” với con số dự báo 5,9%. Sierra Leone tuyên bố, dịch Ebola tiêu tốn 10 triệu USD và cản trở những nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chờ đợi một giải pháp
Cho đến nay, đã có hai nhân viên cứu trợ người Mỹ bị nhiễm Ebola từ Tây Phi hiện đang được điều trị tại bệnh viện Atlanta.
Hy vọng về một giải pháp điều trị bệnh được nhen nhóm khi sức khỏe cả hai bệnh nhân người Mỹ này hiện đã được cải thiện sau khi được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm của Cty công nghệ sinh học tư nhân Mapp Inc ở San Diego. Bệnh viện New York cũng đang thử nghiệm điều trị loại thuốc này cho một người đàn ông có những triệu chứng của căn bệnh chết người này, mặc dù giới chuyên gia y tế cao cấp cho rằng, có lẽ không phải là virus Ebola. Saudi Arabia cũng đang điều trị thử nghiệm cho một người đàn ông bị nghi ngờ nhiễm Ebola sau khi trở về từ Sierra Leone.
Trong hệ thống chăm sóc đặc biệt ở các quốc gia Tây Phi đang bị tàn phá bởi dịch bệnh, Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ ngay lập tức giải ngân 260 triệu USD cho 3 nước bị ảnh hưởng tồi tệ nhất - Sierra Leone, Liberia và Guinea. Tuy nhiên, ở Monrovia, một số cơ sở y tế bị bỏ hoang khi các nhân viên và bệnh nhân ở nhà, sợ mắc bệnh. Các nhân viên y tế cho rằng, họ không được bảo vệ, không có các trang thiết bị cần thiết để tự bảo vệ mình chống lại căn bệnh chết người này.
Thật sự, nếu không có một giải pháp nhanh chóng, đại dịch Ebola sẽ lây lan toàn thế giới bởi các quốc gia Tây Phi tuyên bố dịch bệnh đã “vượt ngoài tầm kiểm soát”. Hãng hàng không British Airways của Anh hôm 6-8 tuyên bố đình chỉ các chuyến bay đi và đến Liberia và Sierra Leone cho đến cuối tháng 8. Đức, Pháp cũng ra cảnh báo người dân du lịch đến Guinea, Liberia và Sierra Leone. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola lây lan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo đi lại với những chuyến đi không quan trọng tới Guinea, Liberia và Sierra Leone đồng thời cử thêm 50 chuyên gia y tế đến hỗ trợ các nước Tây Phi.
Khả Anh