Tây Sơn huyền sử
* Bài 1: ĐẤT MẸ
(Cadn.com.vn) - Mỗi dãy núi, con sông và các di tích trên đất Tây Sơn (Bình Định) thường gắn với những giai thoại thực thực hư hư về một triều đại oanh liệt hơn 200 năm trước. Ngay cả khi triều đại đó bị diệt vong, tinh thần, nghĩa khí vẫn được người dân lưu giữ, tôn thờ mãi mãi với thời gian.
Ông Mai Văn Châu bên lăng mộ cụ Hồ Phi Tiễn. |
Giải mã ngôi mộ cổ
Quê ngoại của 3 anh em Tây Sơn hào kiệt là một ngôi làng nhỏ yên bình, xanh tươi được bao bọc bởi ruộng đồng và đường làng quanh co. Giữa cánh đồng mênh mông của thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, H. Tây Sơn có một ngôi mộ cổ đặc biệt, bởi đó là ngôi mộ duy nhất liên quan tới nhà Tây Sơn còn tồn tại, được xác nhận cho tới nay. Ngôi mộ nằm trên một gò cao rộng, xung quanh là ruộng lúa, ở giữa chân mộ còn dấu vết chỗ cắm bia đã bị gỡ từ lâu. Mộ có 2 vòng thành cách nhau chừng 60cm, bằng đá gồ ghề, qua mưa nắng thời gian ngả màu xám xịt. Ông Mai Văn Châu (65 tuổi) người trông coi di tích Gò Lăng ở xã Bình Thành kể, từ thuở bé chăn trâu trên cánh đồng làng ông đã biết ngôi mộ này. Đây là nơi ông và lũ bạn thường ngồi nghỉ ngơi trong lúc thả trâu trên đồng. Hồi đó, người làng ai cũng chỉ nghĩ ngôi mộ này là của một nhà giàu nào đó từ xưa kia, chứ không nghĩ nó liên quan tới gia tộc nhà Tây Sơn. Ông Châu kể, năm 1990, trong lúc làm đường, dân làng đào được một tấm bia mộ bằng đá ẩn sâu dưới ruộng, cách ngôi mộ cổ khoảng 15 m. Trên tấm bia đá có ghi 3 dòng chữ Hán, về sau đã được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (Bình Định) dịch nghĩa rằng đây là bia mộ của ông nội nhà vua nước Việt, là một vị minh triết, mưu lược, cương nghị. Theo gia phả nhà Tây Sơn, cụ Hồ Phi Tiễn sinh được một người con trai là Hồ Phi Phúc (sau đổi là Nguyễn Phi Phúc) chính là thân phụ của 3 anh em nhà Tây Sơn. Như vậy mộ ông nội nhà vua nước Việt cũng có nghĩa là mộ cụ Hồ Phi Tiễn. Từ đây, qua rất nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã chứng minh đây chính là mộ cụ Hồ Phi Tiễn, ông nội của 3 anh em Tây Sơn. Ngôi mộ này do chính vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng vào năm 1779 khi vừa lên ngôi mấy tháng. Hiện ngôi mộ cổ này đã được công nhận di tích cấp tỉnh...
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua thi hành những đòn trả thù tàn bạo với nhà Tây Sơn, sở dĩ ngôi mộ này vẫn tồn tại được đến nay là nhờ người dân cất giấu tấm bia mộ kín đáo. Hiện tấm bia này đã được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ông Châu cho biết, nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ khi về Khu di tích quốc gia Gò Lăng tìm hiểu đều cho rằng xung quanh di tích có thể còn nhiều ngôi mộ khác liên quan tới nhà Tây Sơn nhưng chưa phát hiện. Bởi lẽ, qua bao đời, trong nhân dân lưu truyền, gọi đây là Gò Lăng. Nhưng nếu Gò Lăng mà chỉ có một ngôi mộ thì rất vô lý. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt giả thuyết, nếu mộ cụ Hồ Phi Tiễn ở đây thì mộ vợ cụ là Nguyễn Thị Đồng ở đâu?
Khu di tích Gò Lăng, nơi có ngôi nhà thân sinh vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ từng sinh sống trước khi chuyển đi nơi khác. |
Trên nền nhà cũ
Gò Lăng hơn 200 năm trước có ngôi nhà của ông bà Hồ Phi Phúc, nơi Nguyễn Nhạc được sinh ra. Đến nay dấu vết để lại là nền nhà bằng phẳng cùng mảnh vườn rộng hơn 2 sào. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết, khi người dân đào nền nhà phát hiện những tảng đá khắc hoa văn hình hoa thị, một số gạch ngói vỡ. Qua nghiên cứu mới biết đó chính là nền nhà của ông bà Hồ Phi Phúc xưa kia từng sinh sống. Cũng theo ông Dũng, trong vườn có ngôi miếu được người dân kể rằng để thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc. Vào thời Gia Long, để tưởng niệm, bày tỏ tình cảm tôn kính với anh em nhà Tây Sơn, hằng năm cứ vào tết thanh minh, dân làng lại tổ chức cúng tế tại đây. Để che giấu, người dân phải mượn danh nghĩa là cúng thần bà. Ông Châu kể, ngay cả sau này, đám ruộng của gia đình ông Hồ Phi Phúc cũng không dám giao cho ai sản xuất cả. Tất cả người trong làng đều ra đám ruộng đó sản xuất, trồng hoa màu sau đó mang về làm lễ cúng tế trong khuôn viên khu đất của gia đình ông Hồ Phi Phúc. Hiện tại trên nền nhà cũ của song thân vua Quang Trung, một đình thờ đã được dựng lên. Khuôn viên khu đất của gia đình cũng được đầu tư xây dựng khang trang, được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia...
Với người dân Phú Lạc, dù cuộc sống thuần nông còn nhiều khó khăn, song họ luôn tự hào bởi được sinh sống trên mảnh đất quê mẹ của anh em nhà Tây Sơn. Và tình cảm người dân dành cho người đã sinh ra vị anh hùng dân tộc luôn trọn vẹn, ngay cả trong thời Gia Long thi hành chính sách trả thù tàn bạo.
Hải Quỳnh
(còn nữa)