Báo Công An Đà Nẵng

“Tay trong, tay ngoài” chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng

Thứ hai, 06/11/2023 07:49

Được biết, Phan Thị Hồng Vân nguyên là Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam và Tổng Giám đốc Công ty CPTM Đức Phương (đều có trụ sở tại đường Điện Biên Phủ, TP Huế, Thừa Thiên - Huế). Vân là một trong những khách hàng được Lê Thị Lệ Hằng (1978, trú TP Huế), nguyên Giám đốc Phòng giao dịch một chi nhánh ngân hàng ở TP Huế (gọi tắt là: ngân hàng A), ký hồ sơ cho vay để cùng ăn chia.

Bị cáo Phan Thị Hồng Vân.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 4 đến tháng 6-2011, Hằng đã hàng chục lần làm hồ sơ vay vốn cho các cá nhân, đơn vị không có tài sản thế chấp, trong đó có Vân. Những sai phạm về cho vay trong hoạt động tín dụng xảy ra từ năm 2011, khi Hằng còn làm Trưởng phòng giao dịch tại ngân hàng A. Cụ thể, theo thẩm quyền thì Hằng chỉ được độc lập duyệt cho vay tối đa 20 tỷ đồng nếu có tài sản đảm bảo giấy tờ có giá trị; tối đa 750 triệu đồng đối với tài sản đảm bảo khác.

Để che đậy hành vi phạm pháp của mình, Hằng đã huy động vốn để bù vào những khế vay kể trên. Tuy nhiên, khế ước vay của các doanh nghiệp và cá nhân mà Hằng lập hồ sơ hoàn toàn không có tài sản thế chấp tại ngân hàng với giá trị vay hàng chục tỷ đồng.Tổng thiệt hại dư nợ Hằng gây ra cho chi nhánh ngân hàng ở Huế trên 40 tỷ đồng, nhưng đối tượng đã qua mặt cấp trên và được đề bạt giám đốc chi nhánh ngân hàng này ở Huế tháng 11-2011. Cặp “bài trùng” lừa đảo này vốn là bạn bè thân thiết, do có ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên đã bàn bạc, thỏa thuận từ trước. Vân, với vỏ bọc là tổng giám đốc hai công ty lớn, dù không có tài sản thế chấp nhưng vẫn ký khống hồ sơ vay và được giải quyết.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra xác định đối tượng Phan Thị Hồng Vân đã giúp sức đắc lực cho Hằng chiếm đoạt tiền của ngân hàng A. Để tạo sự tin tưởng, trong mỗi giấy vay Vân đều cam kết chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các nội dung thông tin cung cấp. Theo đó, Vân đã nhiều lần vay với khế vay cao nhất là 27 tỷ đồng, khế thấp nhất là 1 tỷ đồng với tổng giá trị gần 40 tỷ đồng. Các đối tượng móc nối, ký khống khế ước vay chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 40 tỷ đồng (chưa tính lãi). Sau mỗi lần trót lọt, Vân đều chia 50:50 cho Hằng. Trong đó, Hằng lấy 20 tỷ đồng để trả nợ, tiêu xài cá nhân; Vân ôm 20 tỷ đồng đầu tư vào các dự án.

Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phan Thị Hồng Vân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận thấy, khoản vay thì đứng tên Công ty CPTM Đức Phương nhưng khi tiền đã được giải ngân, Hằng tự dùng các chứng từ ký sẵn để chuyển khoản và làm hợp đồng tiền gửi, sau đó tự xử lý khoản tiền gửi này để thu nợ. Tất cả điều này cho thấy Vân và Hằng có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, gian dối tìm mọi cách chuyển dịch một cách bất hợp pháp tài sản của ngân hàng để chiếm đoạt. Hành vi của Hằng và Vân đủ yếu tố cấu thành tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn Lê Thị Lệ Hằng (Trưởng phòng giao dịch ngân hàng A) được HĐQT, Tổng giám đốc tín nhiệm giao cho quyền quyết định giải quyết các công việc quản lý kinh doanh tại ngân hàng A và có thẩm quyền phán quyết hạn mức tín dụng độc lập và chịu trách nhiệm về các phán quyết của mình. Tuy nhiên, Hằng đã lợi dụng sự tin tưởng của HĐQT, Tổng giám đốc cấu kết với Phan Thị Hồng Vân (Tổng giám đốc Công ty CPTM Đức Phương và Công ty CPĐT Thủy điện miền Trung Việt Nam) có thủ đoạn gian dối lập hồ sơ vay khống, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 19,398 tỷ đồng rồi chuyển cho Vân để đầu tư các dự án và sử dụng riêng cá nhân. Trong vụ án này, Hằng là người chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, do Hằng bị bệnh hiểm nghèo nên ngày 8-1-2019, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hằng. Còn Vân đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực nên bị xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

T.T.H