Báo Công An Đà Nẵng

TechDemo Gia Lai 2019: Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư

Thứ hai, 25/11/2019 10:20

Nằm trong chuỗi các hoạt động Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ TechDemo Gia Lai 2019, chiều 24-11, tại thành phố Pleiku, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư.

11 biên bản ghi nhớ đầu tư được ký kết nhân sự kiện TechDemo 2019

Ngày 23-11, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã diễn ra Lễ Ký kết ghi nhớ đầu tư giữa ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện cho UBND tỉnh Gia Lai với các nhà đầu tư của 11 dự án có quy mô lớn sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 11 dự án với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, hầu hết tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai có thế mạnh, gồm: Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa cao nguyên đồi thông kết hợp đô thị sinh thái; Dự án khu dân cư tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê; Dự án phức hợp nhà hàng tiệc cưới-Karaoke-Coffee; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao H&S Trung Nguyên 4.0; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao; Dự án Trung tâm giống và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Dự án chợ đầu mối quốc tế duy nhất; Dự án khu lâm nghiệp công nghệ cao; Dự án khu đô thị phức hợp kiểu mẫu tại đường Nguyễn Chí Thanh; Dự án nhà máy điện gió Ia Le; Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao khu vực Hồ Ayun Hạ.  Đây là hoạt động quan trọng nằm trong sự kiện “Kết nối cung cầu công nghệ và Xúc tiến đầu tư-TECHDEMO năm 2019” diễn ra tại tỉnh Gia Lai.

 

Hội thảo có sự tham dự của các đoàn đại biểu của 63 Sở Khoa học và công nghệ trên cả nước; các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu, kết nối khoa học, công nghệ thuộc các trường Đại học trong nước và các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài. Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp; công nghệ phục vụ phát triển bền vững; công nghệ phát điện, sản xuất dầu và cải tạo đất yếu từ rác thải; công nghệ xanh trong quá trình sản xuất; năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long cho biết, với sứ mệnh xây dựng và phát triển trường Đại học Cửu Long trở thành một trung tâm đầu ngành trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng dịch vụ đào tạo có uy tín ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, những năm qua, nhà trường đã có những thành tựu đáng kể trong hoạt động khoa học và công nghệ, với việc chủ trì nhiều nhiệm vụ khoa học các cấp.

Cuối tháng 6-2019, Nhà máy năng lượng mặt trời do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ssangyong Solar Vina (Hàn Quốc) xây dựng tại trường Đại học Cửu Long theo ký kết đầu tư giữa hai đơn vị đã chính thức vận hành thử và kết nối hòa lưới điện quốc gia thành công. Với công suất 0,98 MW, Nhà máy năng lượng mặt trời này có ưu điểm vượt trội là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không cạn kiệt, quá trình sử dụng không gây tiếng ồn, không khói bụi, thân thiện với môi trường. Hiện, khi nhà máy đi vào hoạt động, nhà trường sử dụng từ 30% – 35% lượng điện được sản xuất ra, số còn lại hòa vào lưới điện quốc gia.

PGS.TS Lương Minh Cừ nhấn mạnh, để tiếp tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trường Đại học Cửu Long đang hoàn thiện thủ tục xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời. Sau đó, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là dự án nhà trường phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn A-Shin Techwin (Hàn Quốc) trong việc cùng nhau trồng cây nhân sâm theo phương pháp thủy canh và sản xuất các sản phẩm từ cây nhân sâm như kẹo nhân sâm, sôcôla nhân sâm, sữa nhân sâm...

Với báo cáo tham luận về năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, ông Yamamoto Takashi, Giám đốc Công ty KANGJIN TECH .Co.,Ltd (Hàn Quốc) cho rằng, khu vực phía Nam Việt Nam là khu vực có địa hình đồng bằng và điều kiện khí hậu cộng với lượng bức xạ mặt trời và độ cao phù hợp, được đánh giá là môi trường phát điện mặt trời ưu việt nhất trên thế giới. Hiện nay, tại nhiều quốc gia khác, KANGJIN TECH .Co.Ltd đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều trang trại năng lượng mặt trời thông minh với nhiều hình thức như năng lượng mặt trời nông nghiệp, trồng thủy canh năng lượng mặt trời, bãi đậu xe năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời hộ gia đình...

Riêng tại Việt Nam, KANGJIN TECH .Co.,Ltd đã đưa vào hoạt động dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà tại tỉnh An Giang từ năm 2015, và đang trong quá trình xin cấp phép dự án năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình, với công suất 8MW trên diện tích 8ha. Dự án này tập trung vào việc trồng nhân sâm với lò điện mặt trời, sản xuất cây sâm con 1 năm tuổi và đưa vào trồng thủy canh phía dưới hệ thống điện năng lượng mặt trời. Với nhiều lợi ích từ hệ thống năng lượng mặt trời như tạo tường đất vàng, tăng trưởng thực vật bằng ánh sáng đèn LED, lắp đặt máy phát điện bong bóng nhỏ, trong 30 ngày cây sâm có thể cho thu hoạch.

Ông Yamamoto Takashi mong muốn, trong tương lai sẽ sản xuất được loại nhân sâm này tại Việt Nam. Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân tại địa phương, đơn vị này có thể sẽ sản xuất các loại cây trồng khác như nấm hay dâu tây, góp phần cải thiện kinh tế và đời sống cho nông dân tại khu vực KANGJIN TECH .Co.,Ltd đầu tư.

Hội thảo Giám đốc các Trung tâm, tổ chức ứng dụng chuyển giao công nghệ

Trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ - Techdemo 2019 diễn ra tại Gia Lai, sáng 24-11, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội thảo Giám đốc các Trung tâm, tổ chức ứng dụng chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên”. Các đại biểu đã có nhiều đóng góp ý kiến, kiến nghị nhằm tăng cường công tác đầu tư, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất. Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chất lượng hàng hóa theo chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại thì việc liên kết các Trung tâm này lại là nhu cầu bức thiết. Việc liên kết các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong vùng thành khối khẳng định vai trò cầu nối của các Trung tâm trong việc đưa các công nghệ phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

HỒNG ĐIỆP

Kết luận buổi Hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp. Thứ trưởng cho biết, từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam luôn đề ra định hướng đưa các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ xanh vào sản xuất và ứng dụng trong cuộc sống để phát triển một cách bền vững trong tương lai.

Ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn được tiếp cận và chuyển giao các loại công nghệ mới, song tuyệt đối không muốn trở thành bãi rác công nghệ. Trong sự kiện TechDemo Gia Lai 2019, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà khoa học nước ngoài để tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

P.V