Báo Công An Đà Nẵng

Tết Đoan ngọ quê tôi

Thứ hai, 02/06/2014 11:36

(Cadn.com.vn) - "Tháng tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm".

Ở quê tôi, trong ngày Tết Đoan ngọ, ngoài việc cúng lễ, người Việt có nhiều tục lệ như giết sâu bọ, khảo cây lấy quả, đeo ngải cứu để trừ tà, đeo bùa... Theo quan niệm xưa, bộ phận tiêu hóa của con người, qua một năm ăn uống nên thường bị nhiễm "sâu bọ". Nếu không diệt trừ, sẽ gây bệnh cho con người, vào Mồng  năm âm lịch chúng dễ ngoi lên. Người ta có thể "giết" chúng  bằng rượu nếp, chè đỗ đen và hoa quả.

Hoa quả bán trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Cứ vào sáng sớm ngày Mồng năm, sau khi thức dậy, súc miệng đánh răng xong là phải giết sâu bọ ngay. Ăn ít nhất là một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát chè đỗ đen, rồi ăn các loại trái cây... Bánh tro là loại không thể thiếu được trong ngày này. Bánh tro được nấu từ gạo nếp, ngâm tro (từ tro cây thị, cây giang rừng, măng) qua các công đoạn chế biến, gói bằng lá đót (lá chít), khi bóc lá ra, bánh có màu vàng hổ phách rất đẹp, chấm với đường cát, ăn mát, trong miệng có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt phổ biến ở Quảng Nam- Đà Nẵng có tục uống lá "mồng năm". Loại lá này thường được cắt trước mồng năm khoảng một tuần ở ven rừng, bờ ao  như các loại lá chổi, dây lá chè vằng, cỏ xước, tía tô, ngũ gia bì, bướm lông, dủ dẻ... đem phơi khô rồi mang ra chợ bán. Chợ quê tôi trước Mồng 5 khoảng 10 ngày đã có người bán.

Bà Nguyễn Thị Chánh (52 tuổi, trú tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là "chuyên gia" đi cắt và bán lá Mồng năm ở khu vực này. Bà Chánh cho hay, bà bán lá Mồng năm từ khi 20 tuổi. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 10 tháng tư (âm lịch), bà lên các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Ninh, để cắt lá đem về phơi khô đến 15 tháng 4 âm lịch bán dần đến sau ngày Mồng năm. Nước lá Mồng năm có màu vàng đậm, rất thơm vì đa số cây lá chứa nhiều tinh dầu. Có thể ngày Mồng năm ăn nhiều thứ, nên uống nước lá Mồng năm dễ tiêu, chống đầy bụng.

Bánh tro "dài".

 Tôi còn nhớ như in, lúc còn bé thơ, khi mặt trời đứng bóng vào trưa Mồng năm, cha tôi đem ra giữa sân một cái thau, sau đó bắt một con thằn lằn thả vào chậu, thằn lằn bơi vài vòng rồi thả ra, cha lấy khăn nhúng nước lau mắt, mặt cho anh em chúng tôi. Cha cho hay, làm như vậy để "sáng mắt sáng mũi"(?). Không biết loại thằn lằn nó có giác quan thứ 6 không, nhưng vào ngày Mồng năm rất khó bắt, chúng đều đi trốn cả. Để có thằn lằn người ta bắt trước khoảng vài ngày. Tuy nhiên, có người nói rằng làm như vậy mất thiêng(?). Ngoài ra, có một loại hoa, nở bung ra như pháo hoa, mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp tết Đoan ngọ, nên có người đặt cho cái tên là hoa Đoan ngọ, hoa Khuất Nguyên.

 

Ngày nay, cứ đến tết Đoan ngọ, chúng tôi lại nhớ đến bánh tro, chè ngọt, uống lá Mồng năm. Anh em chúng tôi ngó trên tường tìm thằn lằn nhưng không thấy chúng, trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, di ảnh của cha, mẹ tôi "đang nhìn" anh em chúng tôi một cách trìu mến. Lòng chúng tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, được sống ấm êm dưới mái gia đình, nhớ nhất là trong dịp tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ... với những con thằn lằn lội nước qua thau.

Tiên Sa

Sáng 1-6, tức Mồng bốn tháng Năm,  hàng ngàn con vịt thịt cúng Tết Đoan ngọ (mồng 5-5 Â.L) được bày bán nhộn nhịp ở các chợ vùng ven TP. Tại các chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), Miếu Bông (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) lượng người mua bán tăng vọt, 1 con vịt nặng hơn 1,5kg có giá từ 100-130 ngàn đồng. Theo người tiêu dùng, giá vịt trong dịp này tăng không bao nhiêu so với ngày thường. Vì số lượng người mua nhiều nên có nhiều chủ bán buổi sáng là hết khoảng 50-70 con.

A.D