Báo Công An Đà Nẵng

Tết đọc truyện Tàu

Thứ bảy, 21/01/2023 23:45
Miêu tả cảnh quan trong truyện Tàu khiến nhiều nhà làm phim hiện nay tìm đỏ mắt để đáp ứng…

Ông Ba là anh ruột của ông ngoại tôi, là một người Nam Bộ “chánh cống”. Ông có chín người con, trong đó có cậu Năm Tẫn và cậu Mười Tháo. Khi lên chín mười tuổi thì tôi biết ngay đó là cách ông đặt tên con theo hai nhân vật nổi tiếng trong các truyện Tàu: Tôn Tẫn và Tào Tháo, bởi lúc đó tôi đã được đọc một một số tập của bộ Đông Chu liệt quốc và Tam quốc diễn nghĩa.

Ông Ba tôi là lớp người sinh ra và lớn lên vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà truyện Tàu rất phổ biến. Tôi biết rõ điều này khi đọc các tài liệu về văn học và báo chí đầu thế kỷ trước, trong đó nổi lên việc từ khoảng năm 1904, hình thành một dòng văn học là “truyện Tàu”, gắn với sự kiện truyện Tam quốc diễn nghĩa lần đầu tiên được dịch và đăng trên tờ Nông cổ mín đàm. Lần hồi, truyện Tàu xuất hiện càng dày hơn, thường xuyên hơn trên mặt báo và sách. Có nhiều dịch giả danh tiếng mà bây giờ vẫn được nhiều người nhắc đến như Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư...

Truyện Tàu thực sự đã tham gia tích cực vào nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, vào nửa đầu thế kỷ XX. Về mặt văn học, các truyện Tàu ít nhiều tạo nên một “hình mẫu” từ đó hình thành nên một trào lưu sáng tác truyện dã sử, kiếm hiệp theo kiểu chương hồi (mà Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Lê Hoằng Mưu (Mộng Huê Lầu)... là những cây bút tiêu biểu) và các thể loại văn học truyền miệng (hò, vè...).

Chỉ nói riêng về trường hợp Nguyễn Chánh Sắt (1869 - 1947) cũng đủ thấy sự tác động của truyện Tàu trong đời sống văn chương chữ Quốc ngữ nước nhà. Ông đã trực tiếp tham gia sáng tác những tác phẩm văn học, có ý nghĩa dẫn dắt, định hình cho nền văn hóa mới. Đó là Nghĩa hiệp kỳ duyên (tức Chăng Cà Mun, tiểu thuyết xã hội, 1920), Gái trả thù cha (tiểu thuyết trinh thám, 4 tập, 1920 - 1925), Tình đời ấm lạnh (tiểu thuyết lý tưởng, 1922), Tài mạng tương đố (tiểu thuyết tâm lý, 2 tập, 1925), Lòng người nham hiểm (tiểu thuyết xã hội, 1926), Man hoang kiếm hiệp (tiểu thuyết kiếm hiệp), Giang hồ nữ hiệp (tiểu thuyết kiếm hiệp, 1928), Việt Nam Lê Thái Tổ (tiểu thuyết lịch sử, 1929), Một đôi hiệp khách (tiểu thuyết kiếm hiệp, 1929), Trinh hiệp lưỡng nữ (tiểu thuyết kiếm hiệp)... Từ điển bách khoa Việt Nam đã nhận xét: “Phần lớn, truyện của Nguyễn Chánh Sắt đều không dài. Vốn là người có vốn Hán học sâu rộng, lại quen dịch truyện Tàu nên sáng tác của ông, chịu ảnh hưởng khá rõ thể loại này”.

Về mặt sân khấu, truyện Tàu đã góp nhiều chất liệu để sáng tác các tuồng hát bội, cải lương- kể cả các bản vọng cổ sau này. Tôi nghĩ rằng, hồi đó, việc mượn các tuồng tích của truyện Tàu để sáng tác là điều rất bình thường, bởi ngoài yếu tố “ăn khách” còn có sự gần gũi của các tích này với đời sống xã hội. Vì trên thực tế, rất nhiều tích, điển tích gắn liền với đời sống hàng ngày, như trong lời nói (“vòng vo tam quốc”, “nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới”, “nóng như Trương Phi”...), trong ứng xử (đa nghi như Tào Tháo, trung nghĩa như Quan Công, quý bạn như Đơn Hùng Tín...). Nhiều câu chuyện của các truyện Tàu đọng lại và ít nhiều thành những quan niệm đạo đức, như chuyện “kết cỏ ngậm vành” liên quan đến nhân vật Ngụy Thỏa trong Đông Chu liệt quốc, chuyện trung quân ái quốc liên quan đến các nhân vật Địch Thanh trong Ngũ hổ bình Tây, Nhạc Phi trong Nhạc Phi diễn nghĩa, chuyện chung thủy, trung tín liên quan đến các nhân vật Quan Công trong Tam quốc diễn nghĩa, Tần Quỳnh trong Thuyết đường... Đến độ, một tiểu thuyết hay của Tân Dân Tử là Giọt máu chung tình với nhân vật Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà nổi tiếng vẫn bị “nhầm” là truyện Tàu mới đáng nói chứ!

Bởi vậy chẳng có gì lạ khi ba tôi và lớp người bây giờ ở tuổi 60- 70 vẫn còn giữ dấu tích đó. Hồi trẻ, ba tôi - chỉ mới qua lớp 3 trường làng - cũng đọc rất nhiều truyện Tàu, nên trong rất nhiều câu chuyện dạy con, ông đã lồng vào các tích cũ. Như lúc nhỏ, khi đánh cờ tướng, lúc hơn quân, hơn thế, tôi hay “gáy”, ba tôi kể chuyện Nam Cung Trường Vạn trong Đông Chu dùng bàn cờ đập chết vua Tề bởi hay sỉ nhục ông là người thua trận; khi tôi đi thành phố học và ở lại làm việc, ít về quê, ba kể chuyện “3 điều được” của Bật Tử Tiện, học trò của Khổng Tử khi đã làm quan... Vậy đó, truyện Tàu đã ăn sâu vào tiềm thức, nhận thức của rất nhiều người ở miền Nam, trở thành phương thức ứng xử, giao tế một cách cụ thể.

Truyện Tàu xét cho cùng là một sản phẩm văn hóa mà văn hóa gần như không biên giới, đến và ở lại bất kỳ nơi nào có sự tương đồng. Dù vậy, người Việt ta đã có sự tiếp thu kỹ càng, chọn lọc, đầy bản lĩnh. Đồng bào ta đã học cái mưu của Khổng Minh, cái trung của Địch Thanh, cái chí của Bá Lý Hề, cái tế nhị của Sở Trang Vương... nhưng cũng ghét cay ghét đắng cái gian của Tần Cối, cái xảo quyệt của Bàng Quyên, cái nịnh của Bàng Hồng, cái ác của Ngô Khởi... và không dễ dàng bị cái dũng của Yêu Ly che mắt bởi kẻ giết vợ con để phục vụ mục đích của mình, cũng không bị cái trung của Khuất Nguyên qua mặt bởi đó là cái trung mù quáng...

Cũng như nhiều người, tôi rất tiếc. Dân tộc ta có hàng ngàn năm văn hiến nhưng mất hơn ngàn năm bị mất nước nên nền văn hiến đó có chữ viết khá trễ, lại bị kẻ thù nhiều lần đốt phá nên nhiều thư tịch cổ không còn. Dân tộc ta có nền văn học truyền miệng phong phú nhưng văn học viết thì quá ít, không đủ để lại sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống như truyện Tàu. Những Truyện Kiều, Truyền kỳ mạn lục, Hoàng Lê nhất thống chí... thì quá ít và gần như chưa thấm vào đời sống Nam Bộ. Những Lục Vân Tiên, Dương Hà - Từ Mậu... thì mãi đến gần cuối thế kỷ XIX mới được phổ biến...

Cũng còn một điều tiếc khác. Khi tìm hiểu về Nhị thập tứ hiếu, tôi đọc được ý kiến của một số bạn trẻ đã phê bình: bộ Việt Nam ta không có gương hiếu sao mà phải học tập gương của Trung Quốc? Hình như các nhà văn chúng ta chưa chú ý nhiều đến việc xây dựng những nhân vật văn học điển hình, những sự kiện văn chương điển hình, những điển tích văn hóa điển hình...? Vậy thì người đọc muốn đọc tác phẩm “thuần Việt” hay cũng khó khăn quá! Đó là chưa để đến liệu sức hút của các tác phẩm đó đến đâu cũng là vấn đề nữa...

Vì vậy, nhắc đến “truyện Tàu”, xin đừng “dị ứng”. Truyện bên Tàu nhưng được người Việt đọc, nhìn bằng văn hóa và nhãn quan người Việt, tiếp thu theo kiểu người Việt. Cái nguồn gốc thực ra không quá quan trọng nữa. Độc đáo của văn hóa Việt Nam ở chỗ đó. Nên đừng khe khắt với truyện Tàu!

NGUYỄN MINH HẢI