Báo Công An Đà Nẵng

Tết- mùi Tết của mọi người

Thứ ba, 04/02/2020 17:30

1. “Hương gây mùi nhớ”. Chỉ bốn từ này, thi hào Nguyễn Du đã nói lên cảm xúc đặc trưng bậc nhất đã từng len lỏi, ngấm ngầm chân tơ kẽ tóc của mỗi đời người. Nhớ ảnh, nhớ hình, nhớ bóng, cái nhớ hiển hiện rõ mồn một, rõ ràng đâu đó cũng bởi lẽ do nhớ nhung đến mùi. Tương tư đến vị. Mùi và vị tưởng rằng đã xa khuất nhưng từ trong tiềm thức lại bật dậy tựa chồi non nhú ngọn mỗi ngày...

Trong đời, ai cũng nhớ về mùi Tết. Tết của mọi nhà. Nhưng mùi Tết lại của riêng mình. Với tôi, lại nhớ đến ngày cuối cùng trong năm. Ngày Ba mươi Tết. Chiều hắt hiu. Gió lộng. Trong lòng trống vắng, tưởng chừng như còn nghe cả tiếng gió thổi sâu hun hút vào một khoảng hư không nào đó. Phải chăng, đó là tâm trạng của những ai sống xa quê? Vì lý do gì đó, họ không thể quy cố hương sum họp cùng gia đình. Một nỗi buồn len lén, dịu vợi đến nôn nao đã ùa đến... Không rõ ở những phương trời nào khác, con người cô độc ấy có cảm giác này không? Nhưng với tôi, ở Sài Gòn lại có.

Tôi đã từng ngồi góc phố vắng vào những chiều Ba mươi Tết và cảm nhận rất rõ nét. Mùa thu hiếm hoi của phương Nam vạm vỡ nắng ấm, đột nhiên lại chuyển sang vào lúc nàng xuân ngập ngừng bước tới khiến lá phất phơ bay vàng mặt đường. Lạ quá đi mất. Lúc ấy, tâm thế con người xa quê bị chia làm hai. Vừa náo nức chờ đợi xuân sang, vừa sống trong tâm cảnh của một người biệt ly. Cả hai cảm giác ấy trộn lẫn vào nhau khiến bao nhiêu là nỗi nhớ tha hồ ùa về choáng ngợp trong tâm tưởng. Để rồi cuối cùng, tự dưng họ bật ra câu nói: “Nhớ quá. Ước gì, bây giờ đang ở quê. Ước gì”.

Sửa soạn Tết.

2. Ơ hay, dịp này không về được thì Tết sau. Có gì mà nôn nóng, nôn nao đến thế? Anh nói gì mà lạ? Nhớ quê trong dịp xuân về Tết đến hoàn toàn khác mọi ngày trong năm. Bởi lẽ đây chính là khoảnh khắc gợi lên trong trí nhớ biết bao nhiêu mùi. Tất cả tổng hợp lại nhuần nhuyễn, tinh tế và có tên gọi “mùi Tết”.

Mùi Tết ấy, mỗi người có mỗi nét nhớ, nỗi nhớ khác nhau nhưng tôi nghĩ, chung quy lại vẫn là mùi khói bếp trong đêm Giao thừa. Trong nhà, mẹ và bà ngoại đang làm những món ăn ngon chuẩn bị cho buổi cúng Tân niên vào sáng mai Nguyên đán. Ngoài sân, ba và các anh chị đang thức canh lửa cho nồi bánh chưng, bánh tét. Tất cả nhộn nhịp, nhanh tay và gọi nhau í ới. Bên hàng xóm cũng vậy. Đêm khuya, những ngọn lửa ấm lan tỏa trong không khí lành lạnh, chính là hình ảnh của tình làng nghĩa xóm. Mùi thơm lá dong, củi mới, thịt lợn béo ngậy... và cả sự náo nức nhẩm tính từng phút, từng giây đợi Tết, nếu không ở quê nhà làm sao có thể cảm nhận một cách trọn vẹn nhất?

Thuở mới học lớp 8, tôi đã ghi lại một tình cảm rất học trò: “Trong vòng tay mẹ ngủ vùi/ Đêm Ba mươi Tết ngậm ngùi tháng năm/ Lửa reo nồi bánh tình thâm/ Con nghe sung sướng nhang trầm thơm sao/ Chị Kim ửng má hồng đào/ Ngồi bên chân ngoại thì thào nửa đêm/ Con nằm trên cỏ ấm êm/ Nhìn trăng mơ tưởng cánh chim bay về”. Vâng, nhiều cô, cậu nhóc cũng thức canh nồi bánh nhưng rồi lại ngủ quên lúc nào không biết nữa. Trong giấc ngủ ấy, nay nhớ lại, tôi vẫn còn cảm nhận được mùi Tết qua khói ấm, lửa cười thân thiết ấy.

Năm tháng ấy đã xa vời vợi khi mà con người ta lớn lên, ngựa bon đường xa, phong trần đã hằn vết trên gương mặt dài theo năm tháng, đã lớn, đã xa dần hoa niên tuổi nhỏ. Và tôi cũng đã lớn, đã già. Mùi Tết của tôi mỗi lần nhớ lại ngày xửa ngày xưa trong khói bếp nấu bánh chưng ấy, còn có cả mùi long não thơm thơm từ chiếc áo dài của bà ngoại, của mẹ, của chị... Chỉ ngày Tết ngày nhất, các vị mới diện đi lễ chùa, du xuân, sang láng giềng thăm hỏi bà con chòm xóm... Này bạn ơi, bây giờ, trong vạt nắng xuân tươi tìm đâu ra mùi long não xa xăm? Ấy mới là mùi Tết của tôi. Một nỗi nhớ dịu vợi xa xăm mà mỗi lần nhớ lại vẫn còn nghe tiếng cười đùa từ ngày tháng ấy.

Trở về quê ngày Tết, còn là mùi vị của tháng ngày xa xưa thơ ấu như từng đợt sóng ngầm dội về trong tâm tưởng. Mùi vị ấy còn là một sự chuyển động, chỉ có thể nghe và cảm ở một miền quê yêu dấu. Và trong lúc ấy, có lần, tôi đã viết: “Nằm trên rơm rạ dịu dàng/ Hôn khe khẽ nhé nhẹ nhàng từ tâm/ Gió xuân uyển chuyển ngoài sân/ Sương mềm mại hương tần ngần thoáng qua/ Nằm yên trên cỏ quê nhà/ Lắng nghe cá quẫy như là dưới ao/ Nghìn xưa chưa gặp nghìn sau/ Âm dương giao cảm nôn nao giao mùa”. Mùi của rơm, gió xuân và ngay cả mùi của sương, của cỏ đã là một sự giao hòa vời vợi. Giữa lòng người và thiên nhiên đã tri ngộ. Sự gặp gỡ kỳ diệu này chỉ có thể diễn ra vào lúc Tết thanh bình, an lạc và ấm cúng.

Lại nữa, mùi Tết đôi khi khó diễn tả thành lời. Bởi lẽ cũng hương hoa cúc đấy nhưng rồi tùy theo tâm trạng, mỗi người lại có một cảm nhận khác nhau, chẳng hạn, lúc nhớ về một tình nồng nàn xa khuất: “Hàng rào trước nhà em/ Lẻ loi hoàng hoa cúc/ Đà Nẵngđêm cuối năm/ Sương lờ mờ trước mặt/ Con đường Triệu Nữ Vương/ Có tôi đang dè dặt/ Trở về trên quê hương/ Chân đi không chạm đất...”. Tại sao lại như thế, làm sao tôi có thể trả lời nổi?

Thật ra cái mùi, cái vị ấy đã có trong năm, tỷ như hương cúc đã có nhưng rồi, kỳ lạ, phải là lúc giao mùa thì mới bật lên nhói cả tim. Vâng, tương tự cũng món ăn ấy đã quen thuộc nhưng ăn trong lúc sum họp gia đình sau nhiều ngày xa cách thì dường như lại ngon hơn. Ngon vì món ăn ngon đã đành, còn ngon vì ý nghĩa của câu chuyện hàn huyên tâm tình trong tình cảm gia tộc nữa... Nói cách khác, mùi Tết, sâu xa và bền chặt chính là mùi cố hương, mùi thơm thảo của ký ức.

3. Thế thì, dịp năm hết Tết đến, nhất là khoảnh khắc của ngày Ba mươi, những người xa quê lại nhớ bội phần. Nhớ thì nhớ, nhưng rồi có lúc lại phải bó chân ở lại đất khách quê người. Buồn không? Ban đầu tôi ngỡ là buồn lắm nhưng mọi việc không như tôi tưởng. Đã có một và bây giờ là cái Tết thứ 2 không về quê, ấy thế nhưng lòng vẫn nhẹ nhàng như không. Bạn hỏi tại sao à? Đâu lại không quê nhà, khi mà bàn chân ta bước trên dải đất hình chữ S đã tượng hình một non sông gấm vóc?

Và Sài Gòn, vùng đất đã cưu mang nhiều hạng người của các vùng miền khác đến hội tụ sinh sống, trải theo năm tháng họ đã hội nhập với nết ăn, nết ở nơi này. Văn hóa vùng miền nếu muốn giữ cũng chẳng sao, nhưng rồi nó cũng chan hòa vào một nhịp sống chung. Nhịp sống Sài Gòn. Nói gì xa xôi, bạn người Bắc, người Trung à? Muốn ngày Tết được thưởng thức món thịt gà nấu đông ăn chung với dưa cải chua, thịt heo ngâm nước mắm, chân giò hầm mộc nhĩ v.v...; hoặc cần đến hàng trăm, hàng ngàn thứ “hằm bà lằng” khác cho khoái khẩu ư? Ở Sài Gòn có tất. Không thiếu một thứ gì. Dần dần quen đi. Sống đâu quen đó là một lẽ tất nhiên.

Nói thì nói thế, nhưng rồi con người ta lại thấy thiếu một điều gì đó. Khó có thể diễn tả rõ nét. Nào riêng gì tôi ăn Tết xa quê tại Sài Gòn, ngay cả những ai sống xa tít chân trời góc biển cũng thấy thiếu một điều gì đó. Vừa gần gũi lại vừa mơ hồ. Dù vẫn có mùi bùn, mùi của đất trời lúc giao mùa, mùi đồng tiền lì xì mừng tuổi mới, mùi khói bếp nấu bánh chưng bánh tét, mùi chả giò, mùi hoa vạn thọ, mùi nhang trầm... nhưng rồi vẫn thấy thiếu.

Ngộ chưa à? Lạ chưa nhỉ?

Ừ, có lẽ do thiếu một không gian để tận hưởng, chung sống cùng các mùi ấy trong một thời điểm nhất định chăng? Kìa, vẫn bánh chưng xanh, vẫn mai lan cúc trúc, vẫn mứt gừng, mứt hạt sen... nhưng rồi cũng không mấy đậm đà mùi vị bởi nơi này không phải quê nhà. Không có con đường, vòm cây, gió rét, nắng xanh của cái thuở ăn Tết vẫn còn có ba, có mẹ rộn rã tiếng nói cười mừng tuổi mới, tức không có không gian của “Tết ngày xưa” mà sực nghĩ đến tự dưng lại bùi ngùi, xa vắng.

Này bạn mình ơi, vậy Tết yêu dấu phải diễn trong một không gian quen thuộc mà mình đã từng có, mới là Tết chăng? Suy nghĩ này cực đoan không? Mà thôi không tranh cãi. Dù gì đi nữa, con người ta vốn nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, và họ, chấp nhận ăn Tết/ đón Tết với không gian đang sống. Cũng cảm nhận tràn trề mùi Tết đó thôi, để rồi, từ đó lại tạo ra ký ức của Tết cho riêng mình. Từ đó, trong tâm thức những người sống xa quê lại hình thành một mùi Tết mới. Nó cũng da diết, ân tình như họ đã từng sống với hoài niệm của quá khứ. Chắc chắn phải là thế.

Với tôi, mùi Tết bây giờ là gì nhỉ?

Xin thưa, “với mỗi ngày niềm vui giặt tã/ mùi nước đái dầm, quái nhỉ, cũng thơm sao”. Ấy, mới chính là mùi Tết. Mùi của da thịt trẻ con bé bỏng, nõn nà như lộc biếc, dù chỉ mới bi bô í ới, chập chững từng bước đi, nói cười rộn nhà đã tạo nên cảm giác rất thánh thiện. Mùi trẻ con rất thiên thần ấy, kỳ lạ thay lại thừa sức đánh bật luôn cảm giác “hương gây mùi nhớ” ra khỏi trí nhớ. Mùi hương của dĩ vãng bất kỳ ai cũng có, đôi khi nhớ lại nhói lòng nhưng rồi người ta cũng phải nén lại. Phải quên đi. Mới có thể toàn tâm toàn ý vun vén, chăm sóc cho mùi hương vừa mới có, vừa mới đến rất đỗi tinh khôi, diệu kỳ mới mẻ: “Lạ từ tiếng khóc u oa/ Đêm khuya khoắt ba giật mình tỉnh giấc/ Nước đái dầm dịu dàng thân mật/ Từ khô cằn, lộc mới lại thơm lên...”. Thơ viết cho con là tự nhủ lòng mình. Ấy, mới chính là mùi Tết.

Còn gì nữa không? Dạ, còn chứ ạ.

Ngày Tết ngày nhất, vẫn biết ai ai cũng có mùi Tết của riêng mình, đành là thế, nhưng đã là con dân nước Việt thì đều có một mẫu số chung. Tôi nghĩ, vẫn là mùi bánh chưng/ bánh tét, dù đang sống tại quê nhà hay đang phiêu bạt chân trời góc biển hễ nhớ lại, chỉ cần nhớ đã ngây ngất, đã quay quắt về một tình cảm chan chứa ân tình. Tại sao lại thế? Đơn giản chỉ vì chúng ta đây hơn bốn ngàn năm đã cùng chung bọc “đồng bào”, đã cùng chung một tâm thức khi xuân về Tết đến:

Ơn cha nghĩa mẹ, xuân này

Bánh chưng cùng với bánh dày dâng lên

Chính cái vị, cái hương của mùi này là một sự đặc trưng để làm nên bản sắc Tết Việt.

LÊ MINH QUỐC