Báo Công An Đà Nẵng

Tết nghèo nơi xã đảo

Thứ ba, 02/02/2016 09:49

(Cadn.com.vn) - Những ngày gần Tết, xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) như một thiếu nữ đang thu mình e ngại dưới cơn mưa phùn lất phất rơi với từng cơn gió lạnh phả vào lòng người. Trên chuyến phà qua sông Trường Giang, lác đác vài người vận chuyển những nhu yếu phẩm ngày Tết. Cô Nguyễn Thị Hoa–làm nghề buôn bán, không thật mặn mà khi nhắc đến Tết: “Tết năm này, người dân xã đảo Tam Hải không chộn rộn như những năm trước đây. Buôn bán ế ẩm vì sức mua của người dân yếu do biển động không đi biển được nên không có thu nhập”. Nơi đây, người dân sinh sống chủ yếu nhờ biển nhưng cuối năm biển lại “giở chứng”. “Biển động nên thuyền nhiều gia đình không thể vươn khơi. Trời lại lạnh bất thường nên tôi cũng không thể đi mò cua, bắt nghêu, sò, ốc, hến..., chỉ trông chờ vào số củi hằng ngày bán được. Khổ nỗi, làm quần quật nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài chục ngàn đồng nên ngày nào cũng chỉ vừa đủ chi tiêu ngày đó. Lo cuộc mưu sinh hằng ngày đã khó nên mỗi khi nhắc đến Tết chỉ thêm lo âu”, giọng cô Hoa trầm buồn. Vì gia đình không có đàn ông nên hằng ngày mình cô phải cáng đáng mọi thứ mà vẫn túng quẫn, giấc mơ đại học của con vì thế cũng dở dang... Còn cô Nguyễn Thị Tráng (67 tuổi) hằng ngày vẫn ngâm mình dưới nước lạnh giá để mò nghêu, sò, ốc, hến... “Không mò cua, bắt ốc thì lấy gì trang trải cho cuộc sống. Dân biển sống nhờ biển nhưng biển lại mặn chát đời người. Cả ngày ngâm mình dưới nước, có khi quên cả ăn mà thu nhập cũng không nhiều. Tuy con cháu đông đủ nhưng gia cảnh cũng rất khó khăn. Thôi thì, tiết kiệm dần dà cũng dôi vài ba đồng bạc để sắm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, rồi dành một phần lì xì cho mấy đứa cháu vui”, cô Tráng ngậm ngùi.

Vợ chồng ông Tức cố gắng đánh bắt cá nhiều hơn để chăm lo Tết cho gia đình.

Sống trong cảnh thanh bần nên người dân xã đảo Tam Hải đành gác lại các “món ăn” tinh thần. Là “cây” văn nghệ của thôn Cửa Lỡ (thôn Bình Trung), chị Nguyễn Thị Liễu tâm sự: “Mỗi độ Tết đến xuân về, phong trào văn hóa, văn nghệ ở đây dù giản đơn, thiếu thốn nhưng rất sôi nổi. Ai cũng phấn khởi, hồ hởi tham gia với những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Dù nghèo khó nhưng chị em rất “máu” văn nghệ. Nhưng năm nay chúng tôi không còn tâm thế nữa. Thời điểm này càng phải thức khuya, dậy sớm để đánh bắt nghêu, ốc, hến, đốn củi kiếm thêm tiền mua gạo lo 3 ngày Tết”. Trên xã đảo, người dân phải mua nước ngọt ở giếng cổ nơi cuối thôn Thuận An để dùng, mỗi can giá 2.000 đồng.

Có hai con đang tuổi ăn học, vợ chồng ông Đỗ Văn Tức và bà Nguyễn Thị Hòa hằng ngày bám trụ với chiếc thuyền trên sông Trường Giang với hai tủ lưới đánh bắt cá chi chít lỗ vá. “Dù trời lạnh nhưng hằng ngày vợ chồng tôi phải đánh đi đánh bắt cá. Khó khăn nhưng cố gắng chăm lo cho hai đứa con ăn học tươm tất. Với thu nhập từ 100 – 150 ngàn đồng/ngày cũng chỉ qua loa trang trải cuộc sống. Năm nay tôi cố gắng sắm đĩa hương hoa bàn thờ, sửa soạn bữa tất niên nhỏ để gia đình sum họp. Tết không đi đâu nhiều nên mồng 2 vợ chồng tôi đã đi đánh cá”, ông Tức bộc bạch. Trên xã đảo Tam Hải không có trường cấp 3 nên học sinh phải học nội trú Trường THPT Cao Bá Quát (TT Núi Thành, H. Núi Thành). Chi phí học tập cao hơn thu nhập nên đối với họ việc chăm lo con ăn học tươm tất đã là sự nỗ lực  lớn...

Dù lần đầu đến với xã đảo này nhưng những gì chứng kiến và chia sẻ đã đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc về một vùng quê còn nhiều khốn khó, những người dân chất phác, cần cù với cuộc mưu sinh không ít khó khăn nhưng vẫn cố vươn lên, như lộc non, chồi biếc  nảy mầm giữa băng giá tìm đến mùa xuân...

Hữu Đức