Tết Ta,Tết Hàn
Mặc dù Hàn Quốc nằm ở khu vực Đông Bắc Á, còn Việt Nam nằm ở Đông Nam Á nhưng xét về mặt vị trí địa lý thì hai quốc gia này tương đối gần nhau. Nếu tính theo đường biển, Việt Nam và Hàn Quốc ngăn cách bởi biển Đông, nếu tính theo đường bộ thì chỉ ngăn cách bởi một quốc gia duy nhất là Trung Quốc. Với những ảnh hưởng của địa hình, khí hậu và lịch sử hình thành Châu lục, những tương đồng về chủng tộc, sắc tộc, ngữ hệ; đặc biệt là sự chi phối của các tôn giáo như: Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo Lão, tín ngưỡng dân gian, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa... đã tạo ra nhiều điểm giống nhau giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc.
Khung cảnh gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán của một gia đình người Việt. |
Phụ nữ Hàn quốc trong trang phục truyền thống đón Tết. |
1. Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm
Bằng sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Trung Quốc mà cả người Việt Nam và Hàn Quốc đều dùng lịch âm và đón Tết cổ truyền theo âm lịch. Tết cổ truyền của cả hai quốc gia được tính từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng 1 âm lịch hằng năm. Người Việt và Hàn tin rằng đây là thời điểm quan trọng nhất trong năm, đánh dấu sự thay đổi mang tính quyết định đối với cuộc sống con người. Nhân dân cả hai nước đều có phong tục đón giao thừa. Đây là thời điểm kỳ diệu nhất trong một năm vì vậy ai cũng thức để đón những điều may mắn, tốt lành đến với mình và gia đình mình. Trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm nước nóng để tẩy trần và không ai ngủ vì theo một truyền thuyết cho rằng: nếu ngủ vào đêm giao thừa thì sáng hôm sau lông mi sẽ bị bạc trắng, đầu óc kém minh mẫn. Nếu ba ngày Tết diễn ra suôn sẻ, vui vẻ, tốt lành thì cả năm được thuận lợi, may mắn và thành công. Vì thế vào ngày tết người Việt Nam dựng cây nêu nhằm xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, tránh mâu thuẫn
và những điều không vui, còn người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà và tuyệt đối không để mất giày dép.
2. Tết là thời điểm để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Nhân dân cả hai đất nước luôn ghi nhớ, tự hào về cội nguồn và biết ơn, kính trọng sâu sắc đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình. Vào ngày tết, trên bàn thờ gia tiên của bất kỳ gia đình người Việt Nam nào cũng có mâm ngũ quả, được bày biện một cách cung kính và trang nghiêm cùng với những món ăn truyền thống không thể thiếu như: bánh chưng, dưa hành, thịt đông... Mâm cỗ cúng gia tiên của người Hàn Quốc còn đa dạng hơn của người Việt Nam với số lượng khoảng 20 món nhưng nét tương đồng là trong mâm cỗ ấy không thể thiếu được món truyền thống ttok-kuk (Canh bánh gạo) và Kim Chi. Cả người Việt Nam và Hàn Quốc đều tin rằng ăn bánh chưng, ttok-kuk sẽ mang đến nhiều may mắn trong tương lai vì đây là các món ăn tinh tế thể hiện sự giao hòa giữa trời, đất và con người. Để thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ họ thường chuẩn bị cho ông bà, cha mẹ mình những lời chúc tốt lành, những quà tặng đặc biệt. Người Hàn Quốc thường kính cẩn quỳ lạy ông bà, cha mẹ mình trong không gian ấm áp, yêu thương của gia đình. Người Việt Nam luôn ưu tiên cho việc đi chúc thọ, thăm hỏi ông bà cha mẹ mình với những lời chúc tốt lành và bì mừng tuổi may mắn. Sau đó, cả gia đình quây quần bên nhau cùng ăn những món ăn truyền thống, những món ăn yêu thích.
3. Tết là dịp sum họp, thể hiện tình yêu giữa các thành viên trong gia đình
Tết vừa là cơ hội, vừa là lý do, vừa là động lực mạnh mẽ thôi thúc mọi người sắp xếp công việc cá nhân để về sum họp bên gia đình. Trong không gian sum họp ấy, tình yêu thương giữa các thành viên được thể hiện một cách rõ ràng, ấm áp. Ở Việt Nam vào những ngày trước tết, những người thân trong gia đình thường mua cho nhau quần áo, giày dép, đồ trang sức mới. Trong những ngày tết, họ gửi đến nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất. Ở Hàn Quốc cũng vậy nhưng nếu người Việt Nam sử dụng nhiều câu chúc đa dạng, phong phú khác nhau như: an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, chúc mừng năm mới, năm mới phát tài, năm mới mạnh khỏe hạnh phúc... thì người Hàn Quốc chỉ sử dụng thống nhất một câu: năm mới, chúc nhận được nhiều phúc. Vào những ngày tết, người Việt Nam rất hạn chế việc to tiếng, cãi cọ lẫn nhau, đặc biệt là la rầy trẻ em nhằm tạo nên không gian yêu thương hoàn hảo nhất. Bên cạnh đó, cả người Việt Nam và Hàn Quốc đều sẵn sàng mở rộng lòng mình để tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của nhau và tiếp tục yêu thương nhiều hơn.
4. Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, thể hiện sự quan tâm đối với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các phong tục quan trọng như thờ cúng tổ tiên, thăm viếng, chúc mừng năm mới đối với ông bà, cha mẹ, thời gian còn lại người Việt Nam và Hàn Quốc dành cho nghỉ ngơi lấy lại năng lượng sau những ngày rộn ràng chuẩn bị đón tết. Người dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm và đồng nghiệp. Vì thế, vào ngày tết, mọi người sẽ dành một khoảng thời gian để đi chúc tết hàng xóm, bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Hoạt động quan trọng này giúp cho tình cảm bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp được thắt chặt hơn, thông hiểu nhau hơn. Từ đó họ sống đoàn kết, quan tâm, chia sẻ những niềm vui, sự thành công, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Trong những năm gần đây, cả Việt Nam và Hàn Quốc bên cạnh việc cố gắng phát huy “sức sống mãnh liệt của một dân tộc trong nỗ lực nhằm đạt được những thành tựu đỉnh cao trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và nghệ thuật” là hoạt động tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đây là nền tảng, là cơ sở quan trọng tạo ra nhiều hơn những nét tương đồng trong nền văn hóa của hai quốc gia. Tìm hiểu văn hóa nói chung, những nét tương đồng của văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc qua một số phong tục trong ngày tết cổ truyền nói riêng cũng là một cơ sở quan trọng để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị của hai quốc gia.
NGUYỄN THANH TUẤN