Báo Công An Đà Nẵng

Tết Trung thu...

Thứ năm, 17/09/2020 21:40

Một cái Tết Trung thu nữa đang về. Vầng trăng tháng Tám sáng trong, gợi biết bao ký ức đẹp đẽ với tuổi thơ ai đã từng qua. Tôi như ước ao ai đó đi ngang rao bán chiếc vé khứ hồi trở về tuổi thơ, tôi sẽ "mua" thật nhanh để mùa nhớ như bây giờ mỗi khi Trung thu về cứ tràn tâm khảm...

Trung thu nơi làng quê.

Vẫn thế, tôi nhớ lại, cứ gần đến Tết Trung thu, bạn bè của tôi thời ấy tụ tập hăng hái lắm, hết tự tay làm lồng đèn, đầu lân, ông địa... lại rủ rê tập tành múa lân, gõ trống inh ỏi xóm làng. Tôi nhớ, ba tôi thường loay hoay với mấy cái lồng đèn tự làm cho các con. Ông cẩn thận vót tre, hồ dán, giấy màu xanh đỏ... Ba tôi ngồi tựa lưng vào vách, ngắm nghía mấy cái lồng đèn vừa làm xong, ánh mắt tràn trề tình thương yêu... Lồng đèn mà ba tôi "chế tác" đủ loại: ngôi sao, bánh ú, hình tròn... Ba thắp nến cho chị em tôi vui Trung thu với trẻ con hàng xóm, theo tiếng trống rộn ràng đi dưới ánh trăng quê thanh bình...

Bây giờ, đến mùa Trung thu, ngoài đường phố, trong siêu thị, chỗ này chỗ kia biết bao nhiêu lồng đèn, mặt nạ, đầu lân, bao nhiêu bánh trái đủ thứ lung linh sắc màu hấp dẫn con trẻ. Mẹ lại nhớ đến những chiếc kẹo ú mẹ tôi làm ngày nào, chỉ bột sắn với đường bát đen mà sao nó dẻo và thơm ngon quá. Chỉ mâm cỗ Trung thu có vài trái cây trong vườn nhà quen thuộc mọi ngày như ổi, chuối, quýt... mà sao bạn bè trang lứa với tôi ngày xưa háo hức, say mê trông chờ phút giây phá cỗ dưới ánh trăng vàng rộn rã niềm vui? Biết bao nhiêu kỷ niệm ngày nào gian khó chợt ùa về.

Tết Trung thu thường là khoảng đầu năm học mới, bài vở chưa nhiều nên mẹ cùng bạn bè thỏa thích chơi đùa. Chưa tối, chỉ trong ánh chiều chạng vạng, đã thấy bọn trẻ con trong xóm tụm năm tụm bảy la lối om sòm, loay hoay với trống, với lân, với cây đuốc chuẩn bị cho buổi tối đi múa lân khắp xóm, khắp thôn, lũ lượt bày ra trên khoảng sân trước nhà. Vui lắm. Để khi ông trăng tròn vành vạnh bắt đầu nhô lên khỏi ngọn tre đầu làng, đám trẻ rước đèn quanh làng rồi kéo ra cả đường cái lớn để long nhong với gió với trăng. Trong âm thanh tiếng trống rộn ràng, đứa nào đứa nấy cũng háo hức, say mê, vừa đi hối hả vừa hát: Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán cây rất dài, cán cao quá đầu, em cầm đèn sao em hát vang vang... Tùng rinh rinh  (Chiếc đèn ông sao- Phạm Tuyên).

Hôm nay, tôi lại dắt hai con đi dọc phố, vô vàn những gam màu từ những chiếc lồng đèn và hộp bánh Trung thu, như chợt thấy tuổi thơ của mình chỉ còn lại trong góc khuất tâm hồn. Hai đứa con tôi vẫn háo hức và ngạc nhiên với những món hàng hiện đại, được bày biện khá bắt mắt. Tôi chợt nghĩ, tuổi thơ của mình nhọc nhằn nhưng có nhiều kỷ niệm ngộ nghĩnh và tôi đã từng kể các con nghe, đặc biệt vẫn giống các con thế này trong một cái Tết tuổi thơ đặc biệt nhất- Tết Trung thu.

Sử sách kể lại, Tết này xuất phát từ thời Đường Minh Hoàng, vào thế kỷ thứ VIII trên đất nước Trung Hoa và sau đó lan sang các nước lân cận như nước ta. Ngày 15 tháng 8 âm lịch được xem là ngày đẹp nhất trong năm, là "ngày lành" để tế Thần Mặt trăng. Vì thế trẻ con rất yêu thích và sau này thành ngày Tết của trẻ thơ. Tôi lại nhớ Trung thu năm hai con còn học mẫu giáo, mẹ kể về chuyện cây đa, chú Cuội, chị Hằng và Thỏ Ngọc, ánh mắt thơ ngây của các con làm tôi chẳng bao giờ quên... Tôi tưởng tượng, Tết trung thu ở phố mà... cúp điện, thì mới thấy ông trăng tròn vành vạnh, sáng trong cả khoảng trời. Nghĩ đến mà tôi buồn cười, và ao ước như thế, dù trong khoảnh khắc thôi. Vì bây giờ, Trung thu ở phố thì thấy xe cộ đi nườm nượp, đèn điện sáng choang.

Tất cả rồi sẽ qua đi, ai rồi cũng gom nhặt ký ức tuổi thơ vào trong ngăn kéo ký ức. Và tôi hiểu, không riêng gì các con tôi, mà nhiều trẻ em bây giờ, đang thiếu và đủ cái gì trong mùa Tết trung thu? Mong sao niềm vui tất cả tuổi thơ luôn thật sự ý nghĩa mỗi dịp Trung thu về...

THẢO NGUYÊN