"Tết Việt" của đồng bào vùng cao
Khi những tia nắng ấm tràn ngập núi rừng, lũ chim ch'rao bay về líu lo trên mái gươl, nhà rông, nhà moong... là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao Quảng Nam bước vào mùa lễ hội mới. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đều tổ chức ăn Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là lễ hội lớn, là "tết ấm" của cộng đồng các dân tộc anh em.
Tết ấm tình quân dân ở vùng đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam. |
Theo các già làng, từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng bào các DTTS ở Quảng Nam chỉ tổ chức "ăn tết" theo phong tục tập quán của dân tộc mình. Đó là những Tết mùa, lễ hội mừng cơm mới..., do đó mỗi dân tộc có một cái Tết vào những thời điểm và theo những quan niệm khác nhau. "Năm mới" theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu bắt đầu từ giữa tháng 2 âm lịch, là khi có tiếng sấm của Yàng và các vị thần linh báo hiệu đầu năm. Khi ấy, cộng đồng Cơ Tu tổ chức Tết mừng lúa mới (Cha haroo tamêê). Tính theo mùa rẫy thì người Ca Dong ở H. Trà My ăn Tết vào khoảng tháng 12 đến tháng giêng âm lịch. Thời điểm ấy, lúa đã thu hoạch xong đem cất vào nhà kho, đồng bào Ca Dong ở trong các plơi (thôn nóc) tổ chức ăn tết. Tết của người Ca Dong không tổ chức cùng một ngày, tùy theo công việc thu hoạch nương rẫy mà mỗi plơi có một thời điểm ăn tết khác nhau. Vào cuối đông, khi lúa rẫy chín vàng trên các nương rẫy đã thu hoạch xong là dịp đồng bào Bhnoong khắp các bản làng ở vùng cao Phước Sơn ăn "Tết mùa" (Cha piếc), tổ chức lễ hội mừng lúa mới với những hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Cor ở Quảng Nam cũng tổ chức ăn tết truyền thống của dân tộc mình trước Tết cổ truyền của người Kinh, đó là "Tết giã rạ" (Xa aní). Đồng bào Xê Đăng, Tà Riềng cùng các DTTS khác ở Quảng Nam cũng có những cái Tết đặc trưng mang tín ngưỡng văn hóa của dân tộc mình.
Mặc dù tổ chức vào các thời điểm khác nhau, có những đặc trưng riêng, nhưng lễ hội mừng lúa mới, mừng mùa mới... của đồng bào các DTTS Quảng Nam đều chung một nghĩa là "Tết" giống như Tết Nguyên đán của người Kinh. Nghi thức lễ dựng cây nêu, tạ ơn đất trời, thần linh, những người đã khuất đã phù hộ cho một năm được mùa, mong năm tới mưa thuận gió hòa, có sức khỏe, nhà nhà đoàn kết yên vui... Phạm vi lễ hội mở rộng ra cộng đồng làng và những làng chung quanh. Do sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các địa phương mà Tết Nguyên đán của người Kinh đã trở thành "ngày hội lớn", là "tết ấm" của đồng bào các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Mỗi dịp Tết theo Bác Hồ, đồng bào các DTTS ở các bản làng vùng cao Quảng Nam tu sửa nhà cửa, vệ sinh thôn bản sạch sẽ. Những tấm thổ cẩm đẹp nhất được mang ra trang trí trong mái Gươl, nhà Rông. Trong gian chính của nhiều ngôi nhà thờ ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Trai làng đi săn con sóc, con chuột, ra suối bắt con cá...; còn phụ nữ thì vào rừng hái lá về gói bánh, nấu các món lam, chuẩn bị nhiều cơm nếp, rượu tr'đil, tavạk và ủ nhiều rượu cần để đón bà con và khách quý đến chung vui tết. Thôn bản nào có của ăn của để thì tổ chức mổ heo, trình diễn cồng chiêng, các điệu dân ca, dân vũ...
Đồng bào Cor gói bánh ăn Tết Việt. |
Trong ngày Tết đầu năm, nhiều gia đình đồng bào DTTS trong tỉnh cũng tổ chức cúng tổ tiên, ông bà; cầu mong Yàng và các vị thần linh phù hộ năm mới nhiều sức khỏe, cái rẫy cho nhiều lúa gạo; giúp đỡ, chở che, đùm bọc họ vượt qua mọi hiểm nguy, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật để tồn tại và phát triển giống nòi. Bên chén rượu đầu xuân, các vị già làng, trưởng bản thường kể cho các lớp cháu truyền thống đoàn kết Kinh-Thượng anh em. Già làng Bhríu Pố (xã Lăng, H. Tây Giang) cho biết: "Mỗi dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu làng mình tập trung tại mái Gươl để chuẩn bị bữa ăn chung cả làng và đón giao thừa. Trong mấy ngày Tết, làng tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của người Cơ Tu, bà con trong làng và các thôn trong xã thăm hỏi, chúc tết nhau. Tết Nguyên đán là tết chung của dân tộc nên bà con ai cũng rất vui". Già làng Hồ Văn Thông (dân tộc Cor, xã Trà Kót, H. Bắc Trà My) hồ hởi: "Đồng bào mình từ khi đi theo Đảng, theo Bác Hồ thì có cuộc sống ấm no, lúa thóc đầy teo, nhà cửa ổn định, con cháu khỏe mạnh. Bà con mừng lắm và từ hồi năm bốn lăm đến bây chừ, ai cũng ăn tết theo Bác Hồ, Tết cổ truyền của dân tộc".
Tết cổ truyền của người Việt là sinh hoạt văn hóa, đã bén rễ xanh tươi trong cộng đồng các DTTS ở Quảng Nam. Bà con dân bản không chỉ vui cái bụng vì được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm hỗ trợ để bà con ăn cái "Tết Việt" vui vẻ sau một năm lao động vất vả, mà thông qua việc tổ chức ăn tết - vui tết, họ còn tiếp nhận được những giá trị truyền thống văn hóa quý báu thấm đượm tính nhân văn trong cái tết ấm cúng của dân tộc. Và, Tết Nguyên đán đã trở thành ngày hội lớn, là "Tết ấm" của tất cả các dân tộc anh em.
THẠCH HÀ