Báo Công An Đà Nẵng

Thạch Hãn, khúc bi tráng và tự hào

Thứ ba, 22/06/2021 19:16

Dưới sông còn đó bạn tôi nằm… (Lê Bá Dương)

Trong lịch sử vinh quang của mảnh đất soi mình dòng Thạch Hãn có 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ Quảng Trị của quân và dân Việt Nam. Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, Thạch Hãn là dòng sông bi tráng nhất và Thành cổ Quảng Trị là thành phố tuẫn đạo của thế giới khi hứng chịu một lượng bom đạn tương đương 7 quả bom mà đế quốc Mỹ ném xuống Hirosima (Nhật Bản). Trong mưa bom bão đạn ấy, rất nhiều chiến sĩ Giải phóng quân chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã vĩnh viễn nằm lại trong dòng Thạch Hãn. Đó là những tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm (Lê Bá Dương).

Đại Nam nhất thống chí ghi: “Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở bảo Trấn Lao Bảo chảy về Đông,… qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba Cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Vĩnh Phước ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Đại Độ gặp sông Điếu Ngao (sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh  chảy xuống Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Định, gặp sông Nhùng (Mai Đàn) từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Thác Ma sau đó chảy ra Phá Tam Giang”.

Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ… (Lê Bá Dương)

Dài khoảng 170 dặm gồm cả đầu nguồn ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, sông Thạch Hãn có lượng phù sa không nhiều nên nước thường trong xanh nhìn thấy đáy, trừ những ngày mưa lũ. Xuôi về Đông, sông Thạch Hãn có 37 phụ lưu với diện tích lưu vực là 2.660km2 và lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 130m3 mỗi giây. Với thượng lưu là sông Đakrông bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy quanh co giữa núi rừng, qua nhiều thác ghềnh, hợp với sông Rào Quán, theo Quốc lộ 9 xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt với vô số đá ngầm, đá dựng và nhiều loài thảo mộc nên dòng nước Thạch Hãn trong vắt, thơm mát như đã đi vào ca dao “Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”. Tên gọi Thạch Hãn được lý giải do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá đổ mồ hôi thành dòng chảy. Và chính những đặc điểm tự nhiên đó đã đưa sông Thạch Hãn trở thành biểu tượng của đạo lý trong sạch và danh thơm của đất và người Quảng Trị.

Nhiều tướng lĩnh, nhà cầm quân đã ví sông Thạch Hãn là con hào thiên tạo ở phía Bắc Thành cổ Quảng Trị và sự song hành mà lịch sử đã chọn của dòng Thạch Hãn với ngôi Thành cổ là sự song hành bi tráng thuộc vào bậc nhất của máu và hoa. Thiên sử thi bi tráng đó đến từ vị trí chiến lược về quân sự trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị mà điển hình là 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ trước cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị của đế quốc Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt từ ngày 28-6 đến ngày 15-9-1972, dòng Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ Quân Giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ Quảng Trị, làm nên trang sử vàng bất khuất vì hòa bình và thống nhất của đất nước, vì tự do của dân tộc Việt Nam đồng thời viết nên khúc tráng ca về dòng Thạch Hãn và ngôi Thành cổ vinh quang. Soi bóng dòng Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị chưa đầy 3km2 đã hứng chịu một lượng bom đạn do Mỹ - ngụy trút xuống trong 81 ngày đêm có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản đã trở thành một thành phố tuẫn đạo của thế giới. Ở đó, hàng vạn chiến sĩ Giải phóng quân đã giữ vững Thành cổ Quảng Trị bằng chính lòng quả cảm, ý chí và nghị lực phi thường của “những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước  Tổ quốc, trước thời đại” (Tổng Bí thư Lê Duẩn). Chiến công và vinh quang đó trên dòng Thạch Hãn và ngôi Thành cổ bên sông gắn với những con người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mà hôm nay thường ngân vang trong những câu ca về Dòng sông hoa đỏ -“Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông, ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu” (Nguyễn Hữu Quý - Võ Thế Hùng).

Với Thạch Hãn, các thế hệ tiếp nối tóm tắt một thời kỳ lịch sử lẫm liệt của dân tộc mình và người Quảng Trị chứng minh khí thiêng sông núi của quê nhà đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại về lòng yêu nước nồng nàn, khí phách quật cường, tinh thần bất khuất trong cuộc chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì phẩm giá con người đồng thời chứng minh cuộc sống của mình ngày càng tươi thắm ở vị trí luôn đón những ngọn gió mang hương thơm của nước nguồn Hàn chảy ra… Từ nguồn Đakrông, Rào Quán, Ba Lòng, về Cam Lộ, Hiếu giang rồi uốn lượn qua các lưu vực đồng bằng để có dòng Thạch Hãn không ngừng nuôi dưỡng các vựa lúa Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và làm tuyến giao thông đường thủy rất thuận lợi. Giữa cuộc sống thái hòa trong 49 năm nay, nhân dân, chiến sĩ, cán bộ trên khắp cả nước vẫn thường về thăm thị xã Quảng Trị từng ngày xây lại không gian nhân văn vì cuộc sống con người và thiết kế lại cuộc sống trên ấm no, công bằng, nhân phẩm đồng thời thăm ngôi Thành cổ vinh quang và sông Thạch Hãn với sự tưởng nhớ vô hạn những chiến sĩ đã hóa thân thành dòng sông mang phù sa người lính thể hiện bằng những bè hoa thơm, những đóa hoa đăng thắp sáng mặt sông. Đặc biệt, đã thành thông lệ, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, ngày giải phóng thị xã Quảng Trị 1-5, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Quốc khánh 2-9,… người trong cả nước đều hướng về Thành cổ Quảng Trị và thực hiện nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong đó đặc biệt là lễ thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông vào mỗi dịp lễ, Tết và mỗi đêm Rằm đã biến sông Thạch Hãn trong lành, bi tráng thành dòng sông hoa đỏ đồng thời là địa chỉ tâm linh tràn ngập yêu thương và ngưỡng vọng, biết ơn và tự hào. 

NGUYỄN BỘI NHIÊN