Báo Công An Đà Nẵng

Thách thức cuộc chiến "diệt tận gốc" IS (2)

Thứ ba, 23/12/2014 09:00

Kỳ cuối: Quản lý chiến binh hồi hương

(Cadn.com.vn) - Theo Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), có hơn 15.000 chiến binh thánh chiến đến từ 80 quốc gia hiện đang đầu quân cho IS ở Syria. Trong khi nhiều quốc gia cố gắng ngăn chặn dòng chảy này, nhiều nước lại làm ngơ. Tuy nhiên, tất cả đều phải đối mặt với thực trạng, xử lý ra sao khi các chiến binh này hồi hương.

Theo các chuyên gia phân tích, việc hồi hương của các chiến binh nước ngoài tại Afghanistan những năm1980 và của IS ngày nay tuy khác nhau nhưng bản chất lại giống. Các tổ chức Hồi giáo lúc đó tự  xem là người chiến thắng, nhưng "sự nghiệp" của nhiều tay súng nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Trong khi nhiều chiến binh đến từ Ai Cập hay Algeria đang mải mê với lý tưởng một nhà nước Hồi giáo thống nhất, có không ít chiến binh tìm cách quay về chính quốc.

Ai là chiến binh thánh chiến?

Bỉ là quốc gia có số lượng chiến binh thánh chiến đông nhất tính theo dân số chung. Tháng 9-2014, có đến 46 công dân tham gia tổ chức được gọi Sharia4Belgium ở Syria bị đưa ra xét xử nhưng chỉ có 8 người xuất hiện tại tòa.

Phản ứng của Bỉ không giống các quốc gia khác như Pháp, Australia, NaUy và Anh, những quốc gia có số lượng chiến binh ở hải ngoại đông nhất, đặc biệt là đầu quân cho IS. Tại Anh, năm 2014 cảnh sát thực hiện 218 vụ bắt giữ, trong khi đó mới chỉ có 40 công dân Anh đang chờ xét xử về tội khủng bố.

Thể theo luật pháp Anh, cơ quan an ninh có quyền thu giữ tất cả hộ chiếu tình nghi là thành viên thánh chiến và bắt giữ những người trở về từ Syria trong thời gian 2 tuần. Tại Australia, Thủ tướng Tony Abbott ban hành luật chống khủng bố mới, quy định rõ ràng việc xử lý các chiến binh thánh chiến Australia hồi hương. "Nếu họ trở lại, họ sẽ bị đưa vào trại giam để cộng đồng được an toàn", ông Tony Abbott khẳng định. 

Luật pháp đã rõ, nhưng thực tế việc xác định ai là chiến binh thánh chiến hoặc bắt ai mới là điều quan trọng bởi việc đi du lịch đến Syria không phải là bất hợp pháp. Thêm nữa, khi IS thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, chính tổ chức này tuyên bố, phương Tây không phải là mục tiêu của họ. Mục tiêu chính của IS là thiết lập đế chế Hồi giáo (Caliphate) ở Trung Đông không bị ảnh hưởng bởi phương Tây.

Tại Đan Mạch, mối đe dọa của IS không ngăn cản các nhà chức trách bắt giữ các chiến binh thánh chiến hồi hương. Thay vào đó, phần tử thánh chiến trở về được tư vấn nghề nghiệp và không phải ngồi tù, được tư vấn, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Chính quyền nhiều nơi còn động viên họ tham gia lãnh đạo nhà thờ Hồi giáo để giúp ngăn chặn việc tái tham gia vào các tổ chức thánh chiến. Nhiều chiến binh hồi hương được hưởng chính sách khoan hồng. Hàng trăm người rời bỏ quê hương đến Syria chỉ vì nghe theo tuyên truyền qua video nhưng một lần đến Syria họ vỡ mộng, song quay lại thì khó khăn.

Trung tâm phục hồi cựu chiến binh thánh chiến ở Riyadh.

Chi phí tốn kém

Giáo sư Peter Neumann ở Cao đẳng King College, London từng cho biết, ông liên lạc được với 30 chiến binh thánh chiến Anh, những người này rất muốn rời khỏi Syria nhưng lại sợ bị bắt trên đường trở về. Gia đình sinh viên Anh Muhammed Mehdi Hassan, người đã bị giết hại ở Kobane hồi tháng 10 mới đây đổ lỗi cái chết này là do chính phủ gây ra.

Để giúp các chiến binh thánh chiến hồi hương, cách đây nhiều năm tại Riyadh, Saudi Arabia, người ta xây dựng trung tâm phục hồi cho các cựu chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan, những người này đã từng ngồi tù ở Vịnh Guantanamo, do tổ chức Care thực hiện. Cư dân ở đây có thể thảo luận kinh Koran với các giáo sĩ, được tư vấn, giúp đỡ để tìm được việc làm, nhà ở, thậm chí cả việc tìm vợ cho họ sau khi ra trại.

Theo Care, tỷ lệ thành công của mô hình này đạt mức 90%. Nhưng theo một cuộc điều tra của BBC Newsnight, 2 trong số các thành viên của trung tâm sau khi được thả lại trốn sang Yemen, nơi có tổ chức AQAP của Al-Qaeda, và sau đó lên kế hoạch thực hiện "vụ đánh bom đồ lót" ở Detroit năm 2009.

Mô hình cải tạo như của Care nói trên được xem là quá "mềm", thậm chí còn chứa nhiều rủi ro. Vì lý do này, tháng 9 vừa qua, chính phủ Mỹ áp dụng phương án giám sát chặt các chiến binh thánh chiến hồi hương mà không bắt giữ. Theo kế hoạch, những người từ Syria và Iraq trở về nếu lý lịch có vấn đề sẽ được đưa vào diện giám sát chặt chẽ, thậm chí chính phủ còn cho phép sử dụng các phương pháp giám sát bí mật để thu thập hành vi khủng bố, đồng thời giúp họ tiếp cận với những người tốt để nhanh chóng hoàn lương.

Tuy nhiên, để giám sát một cá nhân phải cần tới 30 nhân viên an ninh, tình báo, một chi phí không nhỏ.

Kim Hùng
(Theo BBC)