Báo Công An Đà Nẵng

Thách thức về lao động khi hội nhập

Thứ năm, 15/10/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Việt Nam và 11 quốc gia khác vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến một bước quan trọng đến việc ra đời một không gian hợp tác đa phương có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất từ trước đến nay. TPP tác động đến nhiều mặt, trong đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là chất lượng, trình độ lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, sắp đến là sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường khu vực, đặc biệt là đối với lực lượng lao động có chất lượng cao khi được tự do di chuyển. Dự kiến trong năm 2015, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng trong nước cũng sẽ có điều kiện để tuyển dụng được một lực lượng lao động chất lượng cao từ nước ngoài. Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, nếu không chủ động chuẩn bị hành trang để hội nhập chúng ta sẽ không cạnh tranh được với lực lượng lao động của các nước lân cận.

Lao động Đà Nẵng phải nâng cao tay nghề để cạnh tranh với lao động nước ngoài. Ảnh minh họa

Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề thừa nhận tốc độ hội nhập của chúng ta về đào tạo nghề còn hạn chế. Hiện chúng ta chỉ có 12 nghề trong lĩnh vực du lịch là có khả năng hội nhập và đây là một thách thức không nhỏ. Khi mở cửa với các quốc gia, lao động giá rẻ thực sự đã không còn là một lợi thế, bởi vậy lao động phải đào tạo có kỹ năng tốt và kỷ luật lao động, nếu không sẽ không cạnh tranh được với lao động ở các nước chuyển dịch vào nước ta. “Hiện nay, ngay trong phương pháp giảng dạy trong các trường dạy nghề cũng đã có sự đổi mới theo yêu cầu giảng dạy tích hợp (vừa lý thuyết vừa thực hành), hướng tới việc 100% các bài giảng trong chương trình đào tạo là bài giảng tích hợp nhằm hình thành năng lực thực hiện cho người học, nâng cao tay nghề” – ông Sâm nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 5 (thuộc Bộ Quốc phòng) thì cho rằng: “Chuyển dịch lao động đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh để hội nhập”. Theo ông Hoàng, nguồn nhân lực tâm lý chuộng bằng cấp dù khi học nghề cơ hội tìm việc làm khá cao so với học đại học hiện nay. Trong khi đó, thị trường lao động lại dư thừa về kế toán, kiểm toán và ngân hàng và thiếu các chuyên gia giỏi về kỹ thuật, đội ngũ lao động lành nghề và có ngoại ngữ tốt.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, lực lượng lao động hiện nay đang làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ là hơn 500 ngàn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 52%, trong đó qua đào tạo nghề là 44%. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thì chương trình, giáo trình dạy nghề chưa được đầu tư kịp với nhu cầu của doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên chưa đào tạo kịp với xu thế hội nhập... Ngoài ra, sự đầu tư phát triển nâng cao chất lượng đối với những cơ sở đào tạo đầu đàn còn hạn chế, đầu tư đột phá đối với nguồn giáo viên dạy nghề giỏi có tầm cỡ chưa có; công tác xã hội hóa có triển khai nhưng còn nhiều bất cập.

Theo ông An, giải pháp quan trọng thực hiện hướng đột phá của Đà Nẵng đó là phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại – du lịch lớn của cả nước, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. “Có 5 nhóm giải pháp chúng ta cần phải triển khai đồng bộ là: có cơ chế chính sách thuận lợi đối với dạy và học nghề dịch vụ, nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức triển khai công tác đào tạo... nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ của thành phố” – ông An cho biết.

Mộc Miên