THACO bắt tay HAGL phát triển nông - lâm nghiệp
Trong những dự án trọng điểm mà Cty Cổ phần ô-tô Chu Lai – Trường Hải (THACO) khởi công ngày 24-3, trong đó Dự án Khu công nghiệp (KCN) Nông - Lâm nghiệp được xem là đặc biệt quan trọng. Bởi khi hoàn thành, dự án này không chỉ đóng góp ngân sách và giải quyết 20.000 lao động mà còn có sức lan tỏa rất lớn đến người dân mà chủ yếu là nông dân tỉnh Quảng Nam và miền Trung - Tây Nguyên trong việc thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất nông - lâm nghiệp. Đặc biệt, dự án được hình thành trên cơ sở hợp tác tích cực giữa THACO và Tập đoàn HAGL.
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty THADI. |
Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp là dự án chuyên về nông nghiệp tập trung, mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Ngoài ra, KCN sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam, Lào và Campuchia.
Đại diện lãnh đạo THACO và HAGT ký kết một số hợp tác trong ngày 24-3. |
Dự án có các chức năng là Trung tâm nghiên cứu (R&D) về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến; Các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho các loại cây ăn trái như: bưởi, mít, xoài và cây lâm nghiệp có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung; Khu chăn nuôi thực nghiệm; Sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; Khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; Nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông nhanh và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc các loại cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống vệ tinh khác.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, để hình thành nên dự án trên, trước đó ngày 8-8-2018, THACO đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn HAGL và Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG). Qua đó, THACO sở hữu 35% cổ phần của HNG. Trong hơn 7 tháng qua, THACO đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ.
Đến ngày 18-3-2019, THACO thành lập Cty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (THADI) đăng ký tại KKT mở Chu Lai để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp của THACO, bao gồm trung tâm nghiên cứu phát triển; nông trường mẫu và khu chăn nuôi mẫu thực nghiệm, sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học; nhà máy chế biến trái cây; phân phối xuất khẩu trái cây cao cấp cho các thị trường nước ngoài.
Như vậy có thể thấy, Cty THADI là đối tác chiến lược của HNG về phân phối trái cây xuất khẩu cho thị trường cao cấp, bao tiêu trái cây để chế biến, cung cấp dịch vụ kho lạnh, dịch vụ vận chuyển cảng và xuất nhập khẩu cho HNG. Cũng trong ngày 24-3, tại cảng Chu Lai - Trường Hải, lô hàng 30 container chuối do THADI xuất khẩu qua cảng Chu Lai để sang Thanh Đảo (Trung Quốc). Lô hàng xuất khẩu này trị giá hơn nửa triệu USD, mỗi container là 20 tấn chuối. Tùy thời điểm, giá chuối xuất khẩu của Cty lên tới 24.000 USD/container. Nguồn gốc chuối xuất khẩu trên được thu hoạch từ nông trường của Hoàng Anh Gia Lai, trồng tại Lào và Campuchia.
Ngay sau lễ khởi công KCN Nông - Lâm nghiệp, THADI triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn một từ tháng 6-2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Nhà máy được tư vấn, thiết kế bởi Tập đoàn Riekermann của Đức, cung cấp dây chuyền thiết bị chế biến trái cây bởi Cty Bertuzzi của Ý và Tập đoàn GEA của Đức. Đây là những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp thiết bị sản xuất chế biến nông nghiệp. Cty THADI và các đối tác như: Cty Rieckermann; Cty Bertuzzi; Trung tâm ứng dụng ngành Thực phẩm, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết hợp tác về tư vấn thiết kế nhà máy và cung cấp dây chuyền, thiết bị chế biến trái cây.
Các máy móc phương tiện phục vụ xây dựng Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp. |
Đặc biệt, để thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên toàn quốc, Cty THADI đã hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực với các trường ĐH trong và ngoài nước chuyên ngành nông nghiệp gồm: Học viện nông nghiệp Việt Nam; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; ĐH Cần Thơ; ĐH Nông Lâm Huế. Với sự hợp tác hỗ trợ của các trường ĐH này, Trường cao đẳng THACO sẽ mở phân hiệu và chuyên khoa về nông nghiệp đào tạo kỹ sư thực hành. Ngoài ra, THADI sẽ hợp tác chiến lược với trường ĐH WAGENINGEN (Hà Lan) về các lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống quản trị tổng thể các dự án nông nghiệp theo chuỗi khép kín trên nền tảng công nghệ 4.0.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự tham gia của tập đoàn công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp là sự đảo chiều dòng vốn có tính chiến lược, kết hợp các yếu tố nền tảng công nghiệp vào phục vụ phát triển nông nghiệp sẽ giúp tạo ra đột phá lớn về năng suất và giá trị sản xuất, từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực và căn bản nhằm nâng cao hơn nữa đời sống, sinh kế của người dân, góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
“Sự tham gia của các nhà công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần giải bài toán lớn về nguồn vốn cho nông nghiệp và nông thôn. Ngoài vốn, xu hướng này sẽ đóng góp nền tảng quản trị sản xuất quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ, tư duy sản phẩm, năng lực tiếp cận thị trường và nguồn nhân lực được chuẩn hóa, từ đó có thể giải được bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong nhiều năm. Đây cũng chính là thực tiễn thành công trong nông nghiệp công nghệ cao, đi vào chế biến sâu của các tập đoàn hàng đầu Châu Á, trong đó có Samsung, Hyundai, THACO...” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
TRẦN TÂN
Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp có diện tích 451ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2022. Khi hoàn thành dự án này không chỉ đóng góp ngân sách và giải quyết 20.000 lao động mà còn có sức lan tỏa rất lớn đến người dân mà chủ yếu là nông dân tỉnh Quảng Nam và miền Trung - Tây Nguyên trong việc thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất nông - lâm nghiệp. |