Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan chờ...

Thứ năm, 22/05/2014 11:13

(Cadn.com.vn) - Một ngày sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, chỉ huy quân đội Thái Lan triệu tập các nhà lãnh đạo của các nhóm đối thủ và các đảng chính trị, các thành viên Ủy ban bầu cử (EC) cùng Thượng viện đến dự cuộc họp diễn ra hôm 21-5, nhằm thảo luận cách thoát khỏi tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay.

Đây là một cuộc gặp quan trọng và hiếm hoi giữa các bên đối thủ, làm gia tăng hy vọng về một giải pháp có thể giúp quốc gia Chùa vàng thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, dù đặt nhiều kỳ vọng, cuộc họp lần này cũng không đem lại kết quả như mong muốn, một phần được cho là do áp lực thiết quân luật của quân đội.

Mặc dù bác bỏ hành động can thiệp bất ngờ hôm 20-5 là hình thức đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha dường như đang nỗ lực thiết lập chương trình nghị sự bằng cách buộc các nhóm, tổ chức có vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng phải gặp nhau. EC cũng có cuộc gặp riêng trong sáng 21-5 để xem xét đề nghị của Thủ tướng tạm quyền về việc bầu cử vào ngày 3-8 tới thay vì ngày 20-7 như kế hoạch. "Tình hình đã thay đổi. Chúng tôi có thiết quân luật, do đó EC, quân đội và chính phủ nên nói chuyện đầu tiên", Ủy viên EC Somchai Srisutthiyakorn nói với Reuters. Theo ông,"EC không thể đồng ý ngay lập tức sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 3-8 tới".

Người biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn cuộc bầu cử hồi tháng 2, vốn sau đó bị bãi bỏ. Họ tuyên bố sẵn sàng làm điều tương tự cho bất kỳ nỗ lực tổ chức bầu cử lại trước khi có cải cách nhằm làm giảm ảnh hưởng của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bóng ma biểu tình ám ảnh từ đó đến nay. Những người biểu tình chống chính phủ muốn có thủ tướng "trung lập" để giám sát cải cách bầu cử. Chính phủ, mặt khác, muốn bầu cử.                

Tướng Prayuth cho biết, ông áp đặt thiết quân luật để lập lại trật tự, và vẫn để chính phủ lâm thời điều hành đất nước. Mỹ cũng khẳng định không tin quân đội Thái Lan đảo chính. Theo luật của Mỹ, nước này sẽ buộc phải áp đặt các lệnh trừng phạt nếu xác định một quân đội nước ngoài đảo chính. Nhìn bề ngoài, đây không phải là đảo chính quân sự theo định nghĩa vì chính phủ lâm thời vẫn còn nắm quyền, nhưng bên trong nội tại, quân đội dường như chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề. Trước sức mạnh của quân đội, Thái Lan trong nhiều giờ qua trở nên yên tĩnh. Các nhóm nhân quyền ngày 21-5 cũng lên tiếng cho rằng, tình trạng thiết quân luật cũng giống như một cuộc đảo chính.

Cả người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ vẫn án binh bất động. Không có báo cáo về sự cố nào.

Thanh Văn