Thái Lan đau đầu với nạn buôn người
(Cadn.com.vn) - Trong nhiều năm qua, bờ biển Andaman của Thái Lan chứng kiến các vụ lạm dụng khủng khiếp, chủ yếu là chống lại người Rohingya, nhóm thiểu số chạy trốn cuộc đàn áp người Hồi giáo ở Myanmar.
Gần đây, cảnh sát và quân đội Thái Lan bị cáo buộc bán người Rohingya trôi dạt vào bờ biển cho những kẻ buôn người. Thái Lan cam kết sẽ dập tắt vấn nạn này, tuy nhiên, vụ phát hiện 171 người đàn ông, chủ yếu là Bangladesh, đang bị giam giữ trong các trại lao động trong rừng gần đây cho thấy, Bangkok vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Bắt cóc có tổ chức
81 người đàn ông đang ở tạm trong hội trường chính quyền địa phương tại thị trấn Takua Pa. Họ ngồi đó bơ phờ, chịu đựng cả nỗi đau tinh thần và thể xác do những kẻ bắt cóc gây ra.
Abdurrahim, 18 tuổi, bị những tên bảo vệ đánh dã man vào đầu gối khi anh muốn cho nhiều thức ăn hơn. Abdurrahim, đến từ Bogra, miền bắc Bangladesh, đang muốn tìm việc làm ở thủ đô Dhaka thì bị một người đàn ông lừa đến Bazaar Cox. Ở đó, anh bị trói, bị đánh thuốc mê, khi tỉnh dậy thấy mình đang lênh đênh trên biển.
Nhóm của Abdurrahim đến bờ biển Thái Lan, và anh bị đưa đến một trại ẩn trong khu rừng ngập mặn. “Họ không cho chúng tôi thức ăn. Chúng tôi sống sót bằng cách ăn lá cây”, anh nói. Absar Mia, 27 tuổi, từ Teknaf, gần biên giới với Myanmar, đã có vợ và 3 con nhỏ cũng rơi vào bi kịch tương tự.
81 người đàn ông Bangladesh được giải cứu gần đây. Ảnh: BBC |
Giải thoát
Họ được giải cứu nhờ vào sự quyết tâm của quận trưởng địa phương, Manit Pianthiong. Với kinh nghiệm 28 năm trong khu vực, ông quá quen thuộc với nạn buôn người dọc theo bờ biển gồ ghề Takua Pa.
Ông Pianthiong tuyên bố đang cố gắng ngăn chặn mọi hình thức buôn lậu, nhưng tập trung đặc biệt vào buôn người, mà ông cho rằng đang làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia Chùa Vàng. Ông khuyến khích mọi cộng đồng ngư dân ven biển báo cáo cho ông biết bất cứ dấu hiệu nào về những nhóm người bị giam giữ. Cũng nhờ cách này, ông phát hiện 3 nhóm người từ Bangladesh, và vài người Rohingya. Nhóm cuối cùng, 81 người, bị bao vây khi đang bị nhốt trong các trại trong rừng vào ngày 13-10.
Hai trong số những kẻ bảo kê trong khu rừng bị giam giữ. Một trong số đó được xác định là tàn bạo nhất trong số những kẻ bắt cóc. Việc liệu tên này và ông chủ của y có bị đưa ra công lý hay không phụ thuộc vào chính phủ Bangkok.
Nhập cư bất hợp pháp?
Người dân mong muốn những trùm buôn người trong khu vực phải bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, những tên này có mối quan hệ rộng lớn, và cho đến nay, điều này không xảy ra.
Các quan chức cấp cao trong ngành cảnh sát và Bộ phúc lợi xã hội đang chống lại những nỗ lực của ông Pianthiong - muốn công nhận những người đàn ông Bangladesh là nạn nhân nạn buôn người. Nhóm 53 người được giải cứu sẽ nhanh chóng được quay trở lại Bangladesh. Tuy nhiên, cảnh sát đang muốn đảo ngược quyết định này. Thay vào đó, họ muốn những người này bị bắt giam vì tội nhập cư bất hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, đây là thảm họa đối với các nạn nhân Bangladesh, những người bị mắc kẹt trong các nhà tù di trú của Thái Lan nhiều năm qua. Cách mà Bangkok xử lý các trường hợp này chắc chắn sẽ là bài kiểm tra tuyên bố của nước này trong việc chống nạn buôn người.
An Bình