Thái Lan đến lúc cần cải cách
(Cadn.com.vn) - Thái Lan cần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và hệ thống chính trị trước khi có thể đi đến sự ổn định.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á chứng kiến nhiều bất ổn với những thay đổi thường xuyên của chính phủ và quân đội đảo chính trong 80 năm qua. Các cuộc cách mạng Siamese năm 1932 kết thúc chế độ quân chủ tuyệt đối 7 thế kỷ của Thái Lan thông qua đảo chính quân sự.
Gần đây, quân đội lại đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự của đảng Peau Thai sau 6 tháng chìm trong bế tắc chính trị và bất ổn. Với một nền chính trị quá bất ổn, đã đến lúc Thái Lan cần thúc đẩy cải cách hơn nữa.
“Khả năng hồi phục”
Bất ổn chính trị, các cú sốc bên ngoài và thiên tai liên tiếp chứng tỏ nền kinh tế Thái Lan có khả năng chịu đựng tương đối tốt. Trong thập kỷ qua, Thái Lan phải gánh chịu sóng thần, đảo chính quân sự (năm 2006), cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình trạng bất ổn chính trị (2010), lũ lụt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tự động do trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản.
Bất chấp khó khăn, GDP Thái Lan vẫn tăng trưởng ở mức trung bình 4,2% trong 10 năm qua, và các dòng đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào đất nước. Khả năng phục hồi nhanh chóng sau cú sốc trong nước hoặc bên ngoài khiến các nhà đầu tư dài hạn tự tin khi hoạt động tại nước này.
Nhờ có hệ thống quản lý kinh tế vĩ mô tốt, hệ thống ngân hàng ổn định, và các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ, Bangkok có thể chịu được các biến động chính trị. Mức nợ chính phủ khá dễ chịu (khoảng 45% GDP), lạm phát dễ dàng chế ngự, đồng baht ổn định, và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Thái Lan đứng thứ 18 trong số 189 quốc gia có chỉ số kinh doanh tốt. Một chuỗi cung ứng hiệu quả và cơ sở hạ tầng vững chắc khiến nước này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, khủng hoảng chính trị hiện nay là quả bom hẹn giờ đối với nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, nhu cầu trong nước giảm xuống, nợ hộ gia đình cao (82% GDP), đồng baht trượt giá, và kế hoạch chi 2.000 tỷ baht cho cơ sở hạ tầng bị hoãn lại. Nếu Chính phủ ổn định không được thành lập vào giữa năm nay, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thái Lan.
Thái Lan cần thay đổi để giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay. Ảnh: Reuters |
Cần tự “giải cứu” cho mình
Ngay cả khi nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi nhanh chóng, khả năng phục hồi trở lại sau khủng hoảng lại không được thể hiện tốt.
Hoàn toàn đúng khi khẳng định, Thái Lan bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Cái bẫy này đề cập đến tình huống trong đó một quốc gia, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng, bị trì trệ ở mức thu nhập trung bình.
Tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Thái Lan tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7% trong giai đoạn 1985-1997, trước khi giảm xuống mức trung bình 3,8% trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính Châu Á. Chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu cho phép Thái Lan chuyển đổi ấn tượng từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trên mức trung bình trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng tiếp tục gia tăng. Theo nghiên cứu của WB, tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập 52% của Thái Lan là cao nhất trong khu vực Đông Á. Sự nổi lên của ông Thaksin trong thập kỷ qua chứng tỏ nhu cầu về bình đẳng ngày càng tăng. Chính sách vì người nghèo giúp ông Thaksin giành được tình cảm của các tầng lớp nông thôn và lao động.
Tình hình chính trị của Thái Lan rất phức tạp, bị hoen ố bởi sự phân chia sâu sắc giữa phe Áo đỏ và Áo vàng. Bất hòa chính trị này là gốc rễ cho sự chia rẽ giữa quần chúng nông thôn ở miền bắc và đông bắc Thái Lan với các tầng lớp giàu có ở Bangkok.
Sự bất bình đẳng này làm gia tăng bất ổn chính trị. Do đó, điều Thái Lan cần làm lúc này là hoạch định chính sách cải cách không phân biệt hình thức chính phủ. Quốc gia Chùa Vàng không thể thực hiện các bước tiếp theo để phát triển kinh tế trừ khi giải quyết triệt để vấn đề phân chia xã hội.
An Bình
(Theo Diplomat)