Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan hậu bầu cử: "Mặt trận dân chủ" thành lập liên minh chống chính quyền quân sự

Thứ năm, 28/03/2019 14:39

Sáng 27-3, "mặt trận dân chủ", gồm đại diện các lực lượng chính trị phản đối chính quyền quân sự đương nhiệm tại Thái Lan, đứng đầu là đảng Peau Thai ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tổ chức họp báo tại khách sạn Lancaster ở thủ đô Bangkok để công bố việc thành lập liên minh chống chính quyền quân sự. Động thái này của "mặt trận dân chủ" khiến cuộc bầu cử hôm 24-3 thêm rối rắm.

Các nhà lãnh đạo của 7 đảng chống chính quyền quân sự tuyên bố thành lập liên minh tại Bangkok ngày 27-3.   Ảnh: Reuters

Ngăn chặn quyền lực của quân đội

7 đảng, do Peau Thai, đảng dự kiến đã giành được nhiều ghế nhất, lãnh đạo cho rằng, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) thân quân đội nên đứng sang một bên vì không có đa số ghế nghị viện.

Phát biểu tại họp báo, bà Sudarat Keyuraphan, thủ lĩnh của Peau Thai, mô tả cuộc bầu cử là một câu hỏi nghi vấn, nhưng cho biết liên minh sẽ làm việc vì "lợi ích quốc gia". "Các đảng phái trong mặt trận dân chủ đã giành được sự tin tưởng nhất từ người dân. Mặc dù hiện tại, con số chính thức vẫn chưa có, chúng tôi chắc chắn sẽ có ít nhất 255 ghế. Chúng tôi tuyên bố rằng mặt trận dân chủ chống lại sự cai trị của quân đội chiếm đa số tại Nghị viện", bà Sudarat cho biết.

"Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng những kỳ vọng của người dân tốt nhất có thể. Chúng tôi muốn ủng hộ văn hóa chính trị mang tính xây dựng mặc dù cuộc bầu cử rất khó khăn vì các quy định hỗ trợ cho việc nắm giữ quyền lực của quân đội. Đã có rất nhiều phiếu bầu được mua, sự can thiệp của chính quyền và việc kiểm phiếu rất bất thường. Đó là một cuộc bầu cử đáng ngờ", bà Sudarat nói thêm.

Bà Sudarat cũng cáo buộc các đối thủ của Peau Thai, đã cố gắng hạn chế ảnh hưởng của đảng và giảm số lượng ghế bằng cách khiếu nại lên Ủy ban bầu cử (EC) trước khi kết quả cuối cùng được công bố. "Những gì chúng tôi đang phải đối mặt tiếp theo là nỗ lực giảm bớt số phiếu của phía chúng tôi thông qua việc khiếu nại trong 2 tháng tới cho đến khi kết quả được công bố", bà nói. "Chúng tôi giữ kết quả bỏ phiếu của mình để ngăn chặn mọi thay đổi hoặc gian lận. Sẽ có những nỗ lực để thu hút các nghị sĩ bằng những lời hứa về lợi ích hoặc vị trí. Tôi hy vọng sẽ có những người muốn thấy lợi ích đất nước và gắn bó với hệ tư tưởng dân chủ và hợp tác với chúng tôi nhiều hơn", bà Sudarat kêu gọi. Bà nói thêm: "Nếu chúng tôi không tham gia cùng nhau bây giờ, con cái chúng ta sẽ thừa hưởng điều này bởi vì đây là một cuộc đảo chính thể chế vào năm 2019, sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014".

Ngoài Peau Thai, các đảng khác trong "mặt trận dân chủ" gồm Tương lai mới, Seri Ruam Thai và các đảng khu vực liên kết với Peau Thai như Prachachart, Peau Chat và Palangchon. Đảng Kinh tế Mới, do cựu phó thủ tướng Mingkwan Saengsuwan lãnh đạo, cũng đã cam kết hỗ trợ nhưng không cử đại diện đến trong cuộc họp báo ngày 27-3.

Peau Thai dự kiến sẽ giành được 137 ghế, trong khi đảng Tương lai mới dự kiến giành được 80 ghế. Lãnh đạo đảng Tương lai mới, tỷ phú Thanathorn Jungrungreangkit, cho biết: "Hiện tại tình hình chính trị không có lợi cho đất nước trong dài hạn. Chúng tôi nghĩ rằng việc thực hiện nguyện vọng của đa số người dân là vô cùng cần thiết. Chúng tôi sẽ liên kết với các đảng khác để ngăn chặn sự mở rộng quyền lực của quân đội. Có thể sẽ khó khăn và chúng tôi sẽ phải đối mặt với Thượng viện, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực cùng nhau. Chúng tôi mời các đảng khác tham gia và tạo ra một chính phủ dân chủ, thậm chí là một phe đối lập. Chúng tôi cho rằng Thủ tướng phải đến từ đảng có số phiếu bầu cao nhất và Tương lai mới ủng hộ bà Sudarat vì bà ấy là ứng cử viên phù hợp nhất".

Chưa biết chính xác số ghế

Các bên chưa biết chính xác số ghế mà họ giành được vì các quy tắc bầu cử quy định kết quả cuối cùng chỉ có thể được công bố sau lễ đăng quang của quốc vương Maha Vajirusongkorn ngày 4-5. Các nhà lãnh đạo của các đảng trong "mặt trận dân chủ" cho biết sẽ tìm kiếm sự rõ ràng và minh bạch hơn từ EC. Wan Muhamad Noor Matha, một cựu diễn giả kiêm lãnh đạo của Prachachart, cho biết, nên công bố kết quả sớm hơn.

"EC không nên đợi đến ngày 9-5 để công bố kết quả bỏ phiếu. Lý do là gì? Số phiếu bầu phải được công bố cho các đảng và người dân. Hiện công chúng đang nghi ngờ rằng, EC giữ kết quả để thay đổi nhằm mang lại lợi ích cho một đảng nào đó" Trong khi đó, đảng thân quân đội PPRP vẫn đặt mục tiêu đưa ông Prayuth - người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 - trở thành một thủ tướng được bầu cử dân chủ. PPRP nhấn mạnh rằng,  đảng này nên được trao cơ hội thành lập chính phủ bởi vì họ có số  phiếu bầu phổ thông nhiều nhất. Palang Pracharat có thể tìm cách thành lập liên minh với đảng Bhumjaithai. Tuy nhiên, lãnh đạo Bhumjaithai, Supachai Jaisamut, cho biết sẽ bảo lưu quan điểm đợi cho đến khi có kết quả chính thức vào ngày 9-5 tới thì mới đưa ra quyết định chính trị.

AN BÌNH