Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan “lên dây cót” cho tổng tuyển cử

Thứ ba, 09/08/2016 09:52

(Cadn.com.vn) - Khi bài toán trưng cầu dân ý đã có lời giải, Thái Lan lại phải giải bài toán khác, khó nhằn hơn: chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử để bầu một chính phủ mới.

Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha cam kết thực hiện đúng lộ trình bầu cử sau khi hiến pháp
được thông qua. Ảnh: AFP

Ngày 8-8, một quan chức cấp cao Thái Lan lên tiếng ve vuốt những người phản đối dự thảo hiến pháp mới khi tuyên bố, một chính phủ được bầu chọn dân chủ sẽ lên nắm quyền sớm nhất là vào tháng 12-2017, sau thời điểm thông qua hiến pháp do quân đội hậu thuẫn. “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một cuộc bầu cử sớm nhất vào tháng 9 hoặc tháng 10-2017 và chính phủ mới sẽ ra đời vào tháng 12-2017”, Chatchai Na Chiang Mai, phát ngôn viên Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, nói với Reuters.

Người Thái đã trao cho chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha một chiến thắng thuyết phục trong cuộc trưng cầu dân ý vào hôm 7-8, với kết quả sơ bộ cho thấy có hơn 61% cử tri ủng hộ. Giới phân tích cho rằng, kết quả này phản ánh mong muốn ổn định của người dân nước này sau một thập kỷ chìm trong bất ổn. Có lẽ hầu hết cử tri Thái Lan đã quá chán ngán với các diễn biến chính trị từ sau vụ đảo chính năm 2006 và muốn quân đội đóng vai trò lớn trong việc thành lập một chính phủ đảm bảo sự ổn định để phát triển đất nước.

Hôm 8-8, cựu Thủ tướng Abhisit Veijajiva, chủ tịch đảng Dân chủ cũng tuyên bố chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và kêu gọi các đảng khác cũng làm tương tự. Ông Abhisit nói rằng, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Thái Lan sẽ là việc thực hiện lộ trình tiến đến cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Đây là động thái khá bất ngờ bởi trước khi bỏ phiếu, đảng Dân chủ và các đảng chính trị lớn của Thái Lan kiên quyết bác bỏ dự thảo hiến pháp, nói rằng nó sẽ làm teo nền dân chủ vì trao thêm quá nhiều quyền lực cho quân đội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích kết quả này, cho rằng, đây là  một bước “thụt lùi” cho đất nước. Trên mạng xã hội, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra viết: “Tôi chấp nhận quyết định của người dân, nhưng tôi buồn bởi sự thật là đất nước chúng ta đang thụt lùi đối với bản hiến pháp phi dân chủ”. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, tương lai của nền chính trị Thái Lan sẽ trở nên u ám sau khi dự thảo hiến pháp được thông qua. Bởi theo họ, hiến pháp nay không có tính chính danh do người dân đã không được tự do thảo luận về nó trước cuộc bỏ phiếu.

Thái Lan vốn bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck năm 2014. Giới phân tích cho rằng, chia rẽ sâu sắc vẫn còn hiện diện trên chính trường nước này. Bởi cử tri ở phía đông bắc, thành trì của cựu Thủ tướng Thaksin, và 3 tỉnh miền nam Hồi giáo chiếm đa số, nơi bùng nổ cuộc nổi dậy từ năm 2004, bỏ phiếu chống lại dự thảo.

Những người này chỉ trích chính quyền quân sự tham vọng quyền lực bằng cách làm suy yếu các đảng chính trị. Tuy nhiên, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, đại tướng Prawit Wongsuwon nói rằng, các tướng lĩnh cầm quyền không có ý định thành lập một đảng chính trị và bản thân ông cũng sẽ không tham gia tranh cử hoặc ứng cử vào vị trí thủ tướng trong chính phủ mới.

Và theo vị tướng này, ưu tiên số 1 hiện nay của chính quyền quân sự là chuẩn bị cho bầu cử và khi đã có các đạo luật phù hợp, các chính trị gia sẽ được phép tham gia vận động tranh cử.

Khả Anh