Thái Lan quyết dẹp biểu tình
* ĐỤNG ĐỘ, 3 NGƯỜI CHẾT
(Cadn.com.vn) - Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh khiến ít nhất 3 người chết, trong đó có một cảnh sát trong chiến dịch lập lại trật tự tại trung tâm thủ đô Bangkok.
Chính phủ lâm thời của nữ Thủ tướng Yingluck tỏ rõ quyết tâm dẹp biểu tình khi huy động 25.000 cảnh sát mở chiến dịch giành lại các địa điểm quan trọng ở Bangkok vốn bị chiếm đóng trong nhiều tháng.
Dưới chiến dịch “Hòa bình cho Bangkok”, hàng ngàn cảnh sát chống bạo loạn mang khiên, dùi cui và hơi cay được phái đến các địa điểm gồm Tòa nhà Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng, Đài tưởng niệm Dân chủ để “dọn dẹp” người biểu tình vốn đòi bà Yingluck từ chức. Trong cuộc đột kích vào sáng sớm, cảnh sát bao vây địa điểm các tín đồ của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) cắm trại bên ngoài trụ sở Tập đoàn dầu khí quốc gia PTT, báo The Nation cho biết.
Hàng trăm người bị bắt giữ, trong đó có lãnh đạo biểu tình Rawee Mashmadol, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut cho biết. Theo ông Paradorn, khoảng 100 người biểu tình bị bắt ở khu vực thuộc Bộ Năng lượng vì bị cáo buộc vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp (Bangkok được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng trước, cho phép cảnh sát bắt giữ người biểu tình mà không cần lệnh trong vòng 7 ngày).
Cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình hôm 18-2 khiến ít nhất 3 người chết. Ảnh: CNN |
Đây là lần đầu tiên số lượng lớn người biểu tình bị bắt giữ kể từ khi các vụ biểu tình lớn nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck bùng phát hơn 3 tháng trước đây và cũng lần đầu tiên ghi dấu ấn cuộc trấn áp mạnh tay hơn của chính phủ. Hiện, người biểu tình đồng ý mở lại các tuyến đường dẫn vào khu tổ hợp văn phòng chính phủ ở ngoại ô phía Bắc Bangkok để cho phép các quan chức trở lại làm việc.
Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban thề sẽ chống lại chiến dịch giải tỏa của cảnh sát bằng các biện pháp hòa bình. Có tin cho biết, ông Suthep đến khu vực biểu tình xung quanh Tòa nhà Chính phủ để thương lượng với giới chức chính quyền. Tình hình tại khu vực này vẫn đặc biệt căng thẳng với khoảng 5.000 cảnh sát đương đầu với người biểu tình. Và không nằm ngoài dự báo, đụng độ đã xảy ra khiến 3 người chết, trong đó có 1 cảnh sát.
Sau khi cảnh sát bắn hơi cay trong nỗ lực để giải tán đám đông, người biểu tình bắt đầu bắn súng vào cảnh sát. Khi hai bên chỉ cách nhau khoảng 200m, cảnh sát đáp trả bằng cách bắn đạn cao su và đạn sống. Trong cuộc đọ súng kéo dài khoảng 20 phút, một quả lựu đạn đã phát nổ gần một nhóm sĩ quan cảnh sát. Một sĩ quan thiệt mạng sau khi bị bắn vào đầu, và 2 nạn nhân nam khác, ở tuổi 29 và 52. Theo Trung tâm Khẩn cấp Erawan – nơi theo dõi biến động ở Thái Lan - 58 người, cả nhân viên cảnh sát và người biểu tình, đã bị thương.
Bạo lực gây chết người chắc chắn sẽ làm gia tăng khủng hoảng chính trị kéo dài và cay đắng của Thái Lan, vốn đang được “đổ thêm dầu” bằng cuộc biểu tình của nông dân ở miền Bắc. Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình ngày 18-2, Thủ tướng Yingluck cáo buộc các thủ lĩnh biểu tình lợi dụng bối cảnh của người nông dân trồng lúa để đưa vào cuộc chơi chính trị của họ nhằm lật đổ chính phủ. Bà cũng kêu gọi các thủ lĩnh biểu tình cảm thông với người nông dân và ngừng lợi dụng họ.
Nhưng không rõ liệu nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia Chùa Vàng còn đủ lực để trụ vững bao lâu khi tai họa liên tiếp ập xuống. Ngày 18-2, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan tuyên bố chính thức khởi tố bà Yingluck liên quan tới những việc làm sai nguyên tắc trong chính sách thu mua gạo gây tranh cãi này.
Khả Anh