Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan sẽ mua tàu ngầm?

Thứ hai, 05/01/2015 11:22

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, liệu Thái Lan có thực hiện giấc mơ mua tàu ngầm vốn bị trì hoãn lâu nay?

Tờ Bangkok Post hôm 2-1 cho biết, Thái Lan có thể xem xét mua 2 hoặc 3 tàu ngầm khi ngân sách quốc phòng năm 2016 được tăng lên, bước đi cuối cùng cho đất nước còn thiếu sót trong hơn 60 năm.

Lên kế hoạch

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) dự kiến sẽ đề xuất mua 2-3 tàu ngầm trong ngân sách năm 2016, trong bối cảnh Bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwon ủng hộ kế hoạch cân nhắc các khoản chi phí. Hải quân xem xét mua tàu ngầm từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó tàu ngầm Chang Bogo Class của Hàn Quốc là đắt nhất với giá khoảng 330 triệu USD/chiếc.

Đối với các nhà quan sát dày dạn, kế hoạch mua tàu ngầm của Thái Lan không mới và cũng không đáng ngạc nhiên. Thiếu tàu ngầm từ năm 1951, từ những năm 1990, Thái Lan cố gắng tiến đến những giao dịch ngầm với một số nước, gần đây nhất là Đức và Hàn Quốc. Dù không đi đến kết quả, nhiều người hy vọng, tàu ngầm một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền quân sự cầm quyền Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014.

Kể từ đó, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, RTN chuẩn bị cho kế hoạch mua các tàu ngầm. Tháng 7-2014, RTN chính thức ra mắt trung tâm huấn luyện tàu ngầm với chi phí hàng triệu USD, cải thiện đáng kể các nỗ lực xây dựng năng lực, bao gồm việc gửi cán bộ đến Hàn Quốc và Đức để tham gia các khóa học đào tạo.

Ngày 20-11-2014, Giám đốc Hải quân Hoàng gia Thái Lan Kraisorn Chansuwanich làm sống lại kế hoạch mua tàu ngầm và trình bày đề xuất đến Bộ trưởng Quốc phòng Prawit. Ông Prawit đồng ý nhưng chỉ thị cho các lực lượng hải quân trình bày nghiên cứu chi tiết về các loại tàu ngầm và chi phí.

Ý nghĩa quan trọng

Một số quan chức nhấn mạnh, trang bị tàu ngầm có ý nghĩa chiến lược quan trọng khiến Bangkok phải theo đuổi ráo riết. Họ cho rằng các tàu ngầm sẽ giúp đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Vịnh Thái Lan, trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát. Các tàu ngầm cũng giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như cho phép Bangkok tiếp tục tham gia dự án cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar trong vài năm tới.

Nói rộng hơn, tàu ngầm cũng có thể phục vụ như là biện pháp hiệu quả và bảo vệ chủ quyền tại thời điểm nhiều nước láng giềng đang nhanh chóng phát triển năng lực tàu ngầm. Giới phân tích cho rằng, Thái Lan cần theo kịp xu hướng hiện đại hóa quân sự ở Đông Nam Á. Một ASEAN đoàn kết luôn nhắm đến việc tăng cường khả năng quân sự và nâng cao cảnh giác trước các mối đe dọa bên ngoài, chẳng hạn như Trung Quốc, hay các mối quan ngại xuyên quốc gia khác.

Mặc dù vậy, những kinh nghiệm quá khứ cho thấy, những nỗ lực đổi mới theo hướng này cần phải được xem xét thận trọng. Mức giá quá cao của các tàu ngầm thực sự vẫn còn là mối quan ngại lớn trong bối cảnh còn nhiều ưu tiên cấp bách hơn. Sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ khiến kế hoạch càng thêm phức tạp. Và với tình hình chính trị không ổn định, không có gì đảm bảo, chính phủ đương nhiệm Thái Lan sẽ tồn tại đủ lâu để theo đến cùng các mục tiêu đề ra.

An Bình
(Theo Diplomat)