Thái Lan thiết quân luật
(Cadn.com.vn) - Quân đội đầy quyền lực của Thái Lan ngày 20-5 bất ngờ tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, song khẳng định “không phải là đảo chính”.
Thiết quân luật được ban bố nhằm giúp lập lại trật tự sau nhiều tháng biểu tình căng thẳng trong bối cảnh không có một chính phủ hoạt động đúng nghĩa.
Theo Reuters, trên các con phố trung tâm ở thủ đô Bangkok, các lực lượng vũ trang được triển khai dày đặc. Với sự hỗ trợ của xe quân sự được trang bị súng máy, các binh sĩ vũ trang có mặt tại trung tâm thủ đô cũng như ở các đài truyền hình chủ chốt và nhiều khu vực khác. Trong tuyên bố hiếm hoi trên Twitter, cựu Thủ tướng Thaksin - nhân vật “trung tâm” của tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc hiện nay - cho rằng, việc áp đặt thiết quân luật phải có điều kiện tiên quyết: không “hủy hoại” nền dân chủ.
Binh sĩ Thái Lan lập chốt kiểm soát an ninh ở Bangkok hôm 20-5. Ảnh: Reuters |
Quân đội kiểm soát an ninh
Tư lệnh Prayuth Chan-ocha cho biết, quân đội phụ trách an ninh công cộng vì các cuộc biểu tình bạo lực gây thiệt hại lớn về người và của.
“Chúng tôi lo ngại bạo lực có thể gây tổn hại an ninh đất nước. Để phục hồi luật pháp và trật tự, chúng tôi ban bố thiết quân luật”, ông Prayuth nói. Tư lệnh Prayuth cũng hối thúc các bên hợp tác để tìm kiếm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này bởi thiết quân luật sẽ kéo dài cho đến khi hòa bình và trật tự được lập lại. Ông Prayuth mời giám đốc các cơ quan chính phủ và các quan chức cấp cao khác đến dự cuộc họp lúc 14 giờ ngày 20-5. Thống đốc các tỉnh và các quan chức hàng đầu cũng được triệu tập để gặp gỡ quân đội tại các trung tâm khu vực.
Trong khi quân đội tuần tra quanh các khu vực ở Bangkok, chính phủ tạm quyền vẫn làm việc ở tòa nhà chính quyền dù không được thông báo về thiết quân luật trước khi nghe tuyên bố trên truyền hình lúc 3 giờ sáng 20-5. Cố vấn an ninh chính phủ, Paradon Pattanatabut nói: “Mọi thứ đều bình thường trừ việc quân đội chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề an ninh quốc gia”. Chính phủ tạm quyền tỏ ra cảnh giác cao với hành động can thiệp bất ngờ từ quân đội. Thủ tướng Niwatthamrong triệu tập họp khẩn tại địa điểm bí mật để thảo luận tình hình. Trong phản ứng đầu tiên, ông Niwattumrong hối thúc quân đội hành động trong khuôn khổ hiến pháp và đề nghị tổ chức bầu cử vào ngày 3-8.
Trong khi đó, cả người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ đang cắm trại tại các địa điểm khác nhau ở thủ đô. Để ngăn chặn xung đột, quân đội yêu cầu họ phải ở nguyên tại chỗ và không tuần hành ở bất cứ đâu, Quân đội cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông không phát sóng hình ảnh biểu tình vốn sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lệnh cho 10 kênh truyền hình vệ tinh, bao gồm cả ủng hộ và chống chính phủ, ngừng phát sóng.
Có phải đảo chính?
Thái Lan bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 9 bộ trưởng bị truất quyền hôm 7-5.
Khủng hoảng lần này là chương mới nhất của thập kỷ đấu tranh quyền lực giữa những người ủng hộ ông Thaksin và phe ủng hộ đảng Dân chủ, đưa đất nước đến bờ vực của sự suy thoái kinh tế và thậm chí cả những lo ngại về nội chiến. Quân đội vẫn làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 10-2013. Họ bác bỏ những tin đồn đảo chính và nhấn mạnh, các chính trị gia phải tự giải quyết mâu thuẫn. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, hành động thiết quân luật lần này là một "kiểu đảo chính”. “Không có bất kỳ động thái tham khảo ý kiến nào với chính phủ và tôi nghĩ rằng quân đội sẽ từ từ mở rộng quyền hạn và kiểm soát mọi việc”, chuyên gia Kan Yuenyong cho biết.
Theo ông, để giải quyết vấn đề hiện nay, quân đội cần phải hành động như lực lượng trung lập và không chứng tỏ đang đứng về phía những người biểu tình chống chính phủ. Họ cần phải ủng hộ bầu cử và bắt đầu quá trình cải cách chính trị cùng một lúc. Tuy nhiên, Tư lệnh Jatuporn Prompan vẫn trấn an người dân và chính phủ khi khẳng định: “Hãy bình tĩnh, chưa xảy ra đảo chính”.
Khả Anh