Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan trước “cuộc đọ sức cuối cùng”

Thứ hai, 09/12/2013 13:11

* THỦ TƯỚNG MUỐN TRƯNG CẦU DÂN Ý VIỆC TỪ CHỨC

(Cadn.com.vn) - Bế tắc chính trị tại Thái Lan xem ra còn kéo dài và gay gắt hơn khi phe biểu tình quyết tâm lật đổ chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong “cuộc đọ sức cuối cùng” vào hôm nay (9-12).

Theo tuyên bố của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, hôm nay chính là ngày quyết định đối với những người chiến đấu chống “chế độ Thaksin”. Ông Suthep, hiện đang bị tố cáo là xúi giục nổi loạn, kêu gọi người dân khắp nơi rời công sở và ra khỏi nhà để cùng tham gia biểu tình, thể hiện mong muốn nhổ tận gốc “chế độ Thaksin” cũng như chính phủ mà ông cáo buộc là tham nhũng và bất hợp pháp hiện nay.

Vị cựu Phó Thủ tướng của đảng Dân chủ khẳng định sẽ dẫn người biểu tình đến tòa nhà chính phủ, sẽ chiếm tòa nhà quan trọng này mà không sử dụng vũ lực. Ông Suthep khẳng định sẽ chấp nhận mọi kết quả trong cuộc đọ sức này. “Nếu không thắng, tôi sẽ đầu hàng để đối mặt với các tội danh bị cáo buộc”, ông khẳng định. Tuyên bố này của ông Suthep đẩy đất nước Chùa Vàng vào một “trận chiến chính trị sống còn”. Trong động thái làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng chính trị này, đảng Dân chủ tuyên bố, toàn bộ các nghị sĩ Quốc hội của đảng này đã từ chức.

Thủ lĩnh đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva họp báo ngày 8-12 tuyên bố, các nghị sĩ
của đảng từ chức. Ảnh: Reuters

Trước tình hình này, bà Yingluck cho biết sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ tòa nhà chính phủ một cách hòa bình. Hiện, cảnh sát đã bắt đầu dựng rào chắn xung quanh tòa nhà chính phủ. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabutr cho biết, đã mời các nhà ngoại giao nước ngoài tới để theo dõi những biện pháp sẽ được áp dụng để đối phó với cuộc biểu tình chống chính phủ sẽ diễn ra vào hôm nay. Từ đây, thế giới sẽ được tận mắt chứng kiến việc Bangkok sử dụng những biện pháp hòa bình và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để đối phó với người biểu tình, từ đó có thể “dìu dắt” người biểu tình trở về nhà.

Ngoài ra, để giải bài toán khó khăn này, Thủ tướng Yingluck ngày 8-12 đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của bà và cam kết sẽ từ chức nếu người dân muốn như vậy. Theo Reuters, trước đó, bà Yingluck tuyên bố bà sẵn sàng từ chức hoặc giải tán Quốc hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, nhưng với điều kiện một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày Quốc hội bị giải tán.

Tuy nhiên, ông Suthep trước đó nói rõ, việc bà Yingluck từ chức hoặc giải tán Quốc hội sẽ không giúp chấm dứt được các cuộc biểu tình. Ông đề xuất thành lập một “hội đồng nhân nhân” để điều hành đất nước song bị Thủ tướng Yingluck gạt bỏ với lý do không phù hợp với Hiến pháp Thái Lan.

T.Nguyên-B.Ngân