Báo Công An Đà Nẵng

Thái Lan trước nguy cơ đảo chính

Thứ ba, 26/11/2013 23:24

(Cadn.com.vn) - Thái Lan đứng trước lời giải “đảo chính quân sự” để chấm dứt những ngày thật u ám khi dòng người biểu tình xuống đường chống chính phủ tiếp tục lặp lại kịch bản cũ “chiếm giữ các tòa nhà chính quyền”.

Hình ảnh những người biểu tình quá khích xông vào chiếm giữ các trụ sở những tòa nhà chính quyền chủ chốt đang dần đẩy nền chính trị Thái Lan vào “chỗ chết”. Hiện, chính phủ phải đóng cửa và nhân viên công sở sơ tán khỏi các bộ bị bao vây vì đã bị cắt đứt các dịch vụ công như điện và nước.

Người biểu tình “thừa thắng xông lên”

Mọi việc không dừng lại ở đó khi người biểu tình kiên quyết bám trụ cho đến khi lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và chính quyền của đảng Peau Thai.

Trong ngày 26-11, họ tiếp tục bao vây nhiều trụ sở các bộ khác như Bộ Vận tải, Nông nghiệp, Nội vụ...

AFP dẫn lời Bộ trưởng Du lịch và Thể Thao Thái Lan Somsak Pureesrisak, xác nhận một số trụ sở các bộ ngành bị người biểu tình Thái Lan vây hãm và tuyên bố cố thủ cho đến khi đạt yêu cầu. Trong đó, việc gần 3.000 người biểu tình quá khích tụ tập phía trước Bộ Nội vụ hôm 26-11 càng làm tăng áp lực lên Thủ tướng Yingluck, một ngày sau khi họ chiếm lĩnh Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Nhưng họ không xông vào như cảnh báo ban đầu vì tòa nhà được bảo vệ bằng kim loại cao cùng hàng chục nhân viên an ninh quân sự dù không có vũ khí.

Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào chắn để diễu hành đến Tòa nhà Chính phủ. Sau khoảng bế tắc 15 phút với cảnh sát, họ rút về khu vực cố thủ ở Bangkok. Họ dường như được tiếp thêm sức khi thủ lĩnh biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, kêu gọi mọi người tiếp tục đứng lên giành quyền lực từ chính phủ, thay đổi đất nước và phá hủy cái mà ông gọi là “chế độ Thaksin”.

Tuy nhiên, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua lệnh bắt giữ thủ lĩnh biểu tình này và nếu ông Suthep không đầu hàng, cảnh sát sẽ bắt giữ ông ta ngay tại chỗ vì tội dẫn người biểu tình xâm nhập trái phép các cơ quan công quyền.

Mặc dù vậy, vị cựu Phó Thủ tướng này thẳng thừng bác bỏ những nỗ lực đòi bắt giữ.

Người biểu tình bao vây xung quanh Bộ Nội vụ ở Bangkok hôm 26-11. Ảnh: Reuters

Giải pháp nào cho Thái Lan?

Tuyên bố của ông Suthep được đưa ra sau khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck tuyên bố áp dụng Luật An ninh Nội địa trên toàn bộ địa bàn Bangkok và một số khu vực xung quanh nhằm bảo vệ các cơ sở chính quyền.

Các nhà phân tích nhận định, tình trạng bất ổn sẽ tiếp diễn cho đến khi Thủ tướng và đảng Peau Thai tuyên bố từ chức, hoặc chính phủ phải có “quyết định nào đó” để tạo bước đột phá chính trị. Khả năng Thủ tướng ra đi là khó khả thi khi bà Yingluck khẳng định sẽ không từ chức hay giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, bà cũng tuyên bố sẽ không dùng vũ lực với người biểu tình.

Rõ ràng, việc chiếm giữ các tòa nhà chính phủ đang làm sâu sắc thêm bất ổn chính trị tại quốc gia vốn từng chấn động bởi cuộc đổ máu chính trị tồi tệ nhất trong một thế hệ khiến hơn 90 dân thường thiệt mạng năm 2010. Làn sóng biểu tình còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và du lịch Thái Lan. Nhiều cửa hàng ở Bangkok phải đóng cửa. Hàng chục quốc gia ban hành cảnh báo tư vấn du lịch cho các công dân muốn đến đất nước Chùa Vàng.

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi thông báo hành khách cần đến sân bay trước 3 tiếng đồng hồ trước giờ khởi hành do ùn tắc giao thông. Rõ ràng, không những “đuổi” khách du lịch, bế tắc chính trị đẩy các nhà đầu tư ra khỏi Thái Lan, khiến đồng baht mất giá 2,7% trong tháng này.

Vậy giải pháp nào cho quốc gia Chùa Vàng hiện nay? Có lẽ, trước tiên, các bên nên kiềm chế để tránh lặp lại thảm kịch 3 năm trước. Sau đó, ngồi lại với nhau để giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình. Nếu không, Thái Lan sẽ lại rơi vào bi kịch đảo chính quân sự chóng vánh.

Khả Anh