Báo Công An Đà Nẵng

Thắm đượm nghĩa tình quân dân

Thứ tư, 12/09/2018 14:39

Sống ở vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, việc thường xuyên đến các trung tâm y tế khám chữa bệnh đối với bà con vùng biên giới của tỉnh Gia Lai, Kon Tum rất nan giải. Để hỗ trợ bà con, nhiều năm qua, sự xuất hiện của những Trạm xá quân dân y kết hợp đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Những câu chuyện, tình cảm đẹp đang được các bác sĩ, y tá Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng miệt mài viết trên miền rẻo cao Bắc Tây Nguyên.

Những thầy thuốc - người lính khám bệnh, phát thuốc cho người dân biên giới Gia Lai. 

Tỉnh Gia Lai những ngày này đang cuối mùa nắng nóng. Theo lời Trung tá Lưu Văn Đoàn-Chính ủy Trung đoàn 710, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng - đơn vị đóng tại vùng biên giới H. Chư Prông (Gia Lai), thời tiết ở những thời khắc giao mùa rất dễ làm bà con đau ốm, nhất là các em nhỏ. Vì vậy, Trung đoàn luôn phân bổ cán bộ y tế thường trực bám bản, bám làng "canh bệnh" cho bà con. Thông thường, một nửa đội ngũ bác sĩ, y tá được phân trực chuyên môn tại trạm xá quân dân y, nửa còn lại đi cơ sở, khám chữa bệnh tại các làng. "Để phòng bệnh, chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con tổng dọn vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng. Bên cạnh đó, vận động bà con chủ động thời gian đến trạm xá quân dân y khám chữa bệnh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân" - Trung tá Đoàn nói.

Tại tỉnh Kon Tum, chúng tôi đến xã biên giới Mô Rai, H. Sa Thầy. Xã nằm lọt thỏm giữa "đại bản doanh" rừng cao su bạt ngàn. Ở Trạm y tế Quân dân y kết hợp của Công ty 78, Binh đoàn 15, lúc nào cũng nườm nượp người lui tới khám chữa bệnh. Hôm ấy chúng tôi chứng kiến cảnh các y bác sĩ trạm y tế đang dìu chị Nhung (trú làng Le, xã Mô Rai) đang mệt lả, kiệt sức vào phòng bệnh. Sau nửa buổi được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, truyền nước, cho uống thuốc, chị đã tươi tỉnh trò chuyện. Chị bảo, suốt 10 năm nay đến lập nghiệp ở xã biên giới Mô Rai, cả gia đình chị luôn chọn trạm y tế quân dân y của Công ty 78 để khám chữa bệnh mỗi khi ốm đau. "Trước đây đau bệnh, đi huyện xa lắm, chẳng ai muốn đi đâu, trừ bệnh quá nặng. Còn nay đau ốm, đến trạm y tế được bác sĩ, y tá khám, cho uống thuốc là khỏi bệnh ngay. Có người bệnh nặng, ở lại một hai ngày cũng hết đau. Hình ảnh ấy thấm đẫm tình nghĩa quân dân ở vùng biên giới xa xôi này"-chị Nhung bộc bạch.

Thượng úy - Bác sĩ Vũ Thị Minh Hiếu đang khám bệnh cho người dân xã Mô Rai.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại tất cả các xã biên giới của tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện nay đều có các trạm y tế quân dân y kết hợp thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang. Trong đó, nhiều nhất là các trạm y tế  quân dân y kết hợp của Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng, đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ kinh tế, gắn với quốc phòng trên biên giới Bắc Tây Nguyên. Vào nhiều thời điểm, nhất là những lúc giao mùa hay xảy ra dịch bệnh, ốm đau, các trạm xá quân dân y kết hợp của các đơn vị đã chủ động đến tận các buôn làng để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đồng thời khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo. Ông Rơ Mah Planh, làng Náp, xã Ia Mơr, H. Chư Prông, Gia Lai, cho biết, bà con nơi đây luôn tin yêu những thầy thuốc-người lính. "Vùng biên giới xa xôi này, bà con mình còn nhiều khó khăn vất vả lắm. Nhưng được bộ đội khám chữa bệnh miễn phí, chúng tôi rất mừng, biết ơn bác sĩ, y tá lắm. Những chương trình khám chữa bệnh thật ý nghĩa với bà con trên miền rẻo cao này"-ông Planh nói. Hầu hết cán bộ, y bác sĩ của các trạm y tế quân dân y kết hợp đã có nhiều năm gắn bó với các xã biên giới nên hơn ai hết họ rất thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân.

Thượng úy Vũ Thị Minh Hiếu, Y tế trưởng Bệnh xá y tế Quân dân y kết hợp Công ty 78, cho biết, chị đã có gần 20 năm công tác trên biên giới Mô Rai. Vẫn biết công tác xa gia đình cuộc sống rất khó khăn nhưng mọi người đều nỗ lực hết mình để khám chữa bệnh cho người dân. "Không chỉ mình, mà bất kỳ bác sĩ, y tá nào khi đã bước chân đến Mô Rai  đều rất đồng cảm, chia sẻ với bà con ở nơi đây. Bà con cơ cực lắm! Hiểu được điều đó, thấy được cảnh bà con vất vả bốn mùa, đội ngũ y bác sĩ nơi này không ai bảo ai đều tận tâm chữa bệnh cho bà con"-y sĩ Hiếu tâm sự. Với sự ra đời của các Trạm y tế Quân dân y kết hợp, người dân tại các xã trên biên giới vùng Bắc Tây Nguyên đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiến bộ. Và mỗi ngày trôi qua, bà con luôn được chăm sóc sức khỏe tốt để yên tâm sản xuất, gắn bó với quê hương. Chúng tôi cũng hiểu, mỗi trạm y tế mọc lên đều thể hiện rõ nghĩa tình quân dân, góp phần xây dựng một thế trận lòng dân vững chắc trên tuyến biên giới này.

Công Hạnh