Báo Công An Đà Nẵng

Thảm họa chìm phà Hàn Quốc: Thủy thủ đoàn chối tội

Thứ tư, 18/06/2014 12:26

(Cadn.com.vn) - 15 thành viên thủy thủ đoàn xuất hiện tại tòa hôm 17-6 với tuyên bố khẳng định, cứu hộ không phải là công việc của họ.

15 người này bị đưa ra xét xử lần đầu hôm 10-6 với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội giết người vì chạy trốn và bỏ rơi phà Sewol khi gặp nạn khiến hơn 300 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok (trước) đang đối mặt với án tử hình. Ảnh: Reuters

CỨU HỘ KHÔNG PHẢI LÀ NHIỆM VỤ CỦA THỦY THỦ ĐOÀN”

Tuy nhiên, thay vì hối lỗi và nhận tội, những người này lại làm dấy lên làn sóng tranh cãi đau buồn trên cả nước khi đổ lỗi hoàn toàn cho lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc trong phiên xử lần hai ngày 17-6. Theo các bị cáo, cứu hộ và giải cứu hành khách là nhiệm vụ của cảnh sát biển chứ không phải họ. Theo lý giải của những bị cáo này, chỉ có cảnh sát biển mới là những người có kỹ năng và thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp.

Theo Reuters, tuyên bố trước tòa, các luật sư biện hộ cho 15 bị cáo cũng khẳng định, một khi nhân viên cứu hộ của cảnh sát biển đến, công việc của thủy thủ đoàn đã kết thúc. “Các thủy thủ đoàn cũng nghĩ rằng, cảnh sát biển cần phải có đủ năng lực giải cứu sau khi nhận được cuộc gọi cứu nạn”, luật sư Im Ju-young nói trước tòa trong phiên xử tại Gwangju, thành phố gần hiện trường vụ tai nạn nhất. Trong khi đó, luật sư Ju Chul-soo, người đại diện cho hai trong số các bị cáo biện hộ rằng: “Họ (thủy thủ đoàn) đang rất hoảng loạn và thậm chí không thể nghĩ đến việc giải cứu”.

Phà Sewol bị chìm ngoài khơi bờ biển phía tây nam Hàn Quốc hôm 16-4 trên chuyến hành trình thường xuyên từ Incheon đến đảo Jeju do chở quá tải và đi quá nhanh. Trong số 476 hành khách và thủy thủ đoàn trên phà, 339 là học sinh và giáo viên cùng trường Danwon ở ngoại ô Seoul. Chỉ 172 người được cứu và còn lại đều bị chết đuối. Các thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có thuyền trưởng Lee Joon-seok, bị bắt ngay sau đó vì tội bỏ rơi phà trong khi ra lệnh cho hành khách “ở yên tại chỗ”, mặc áo phao và chờ lệnh tiếp theo.

CÓ ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG?

Nhiệm vụ quan trọng của các luật sư hiện nay là phải lùng sục hơn 1.400 chi tiết bằng chứng theo yêu cầu của bên công tố. Các thẩm phán cho biết, họ sẽ đến Incheon, nơi đặt trụ sở Cty chủ sở hữu phà Sewol cùng với 3 bị cáo và luật sư của họ vào ngày 30-6 để kiểm tra “phà chị em” của Sewol nhằm thu thập bằng chứng liên quan.

Tuy nhiên, làn sóng giận dữ và chỉ trích nhằm vào các bị cáo khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự công bằng của phiên tòa lần này.  Thuyền trưởng Lee và 3 thành viên khác bị buộc tội giết người, phải đối mặt với án tử hình. Trong phiên xét xử đầu tiên, thân nhân các hành khách phà Sewol hét lên khi ông Lee xuất hiện: “Ông ta không phải là thuyền trưởng. Kẻ giết người!”. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho ông Lee cho rằng, cáo buộc tội giết người này là quá nặng vì trách nhiệm chính là của cảnh sát biển.

Trên thực tế, các bị cáo đang bị bao vây bởi sự giận dữ trên khắp Hàn Quốc, con đường loằng ngoằng đến Nhà Xanh của Tổng thống Park Geun-hye, người gọi hành động của thủy thủ đoàn là giết người. Các luật sư tư nhân đã “bỏ rơi” vụ án khó nhằn này. Vì thế, các luật sư bào chữa cho các bị cáo lần này đều do tòa án chỉ định. Họ tất nhiên đối mặt với áp lực rất lớn trước nhiệm vụ bảo vệ cho các thân chủ.

Các luật sư không tiết lộ chi tiết về chiến lược bào chữa, song giới quan sát cho rằng, việc đổ lỗi cho lực lượng cảnh sát biển là một hướng đi đúng. Bởi lẽ, Tổng thống Park Geun-hye, trong lời xin lỗi lần hai đầy nước mắt hồi tháng trước tuyên bố giải tán lực lượng cảnh sát biển vì hoạt động không hiệu quả và thành lập cơ quan mới thay thế.

Khả Anh