“Thảm họa kép” ở Iraq
(Cadn.com.vn) - Iraq ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng khi chính phủ Thủ tướng Nuri Al-Maliki có nguy cơ sụp đổ và các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn hoành hành ở miền bắc.
Chính phủ liên minh các đảng Shiite lớn nhất của Iraq đang chuẩn bị đề cử một thủ tướng mới, mở ra thách thức trực tiếp nhằm vào ông Maliki - người vẫn kiên quyết không từ bỏ nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.
Theo Reuters, Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Haider al-Abadi được xem là ứng cử viên sáng giá kế nhiệm ông Maliki, người vốn nắm quyền Thủ tướng từ năm 2006 nhưng xa lánh một số đồng minh, trong đó có Mỹ. Nội bộ chính phủ càng rối ren hơn khi Thủ tướng Maliki còn khẳng định sẽ kiện Tổng thống Fuad Masum vi phạm hiến pháp.
Người Iraq từ cộng đồng Yazidi tị nạn đến Syria. Ảnh: AP |
Chính phủ rối ren
Trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình nhà nước, ông Maliki chỉ trích Tổng thống Masum không can thiệp gì sau khi Quốc hội không cho phép ông nắm quyền nhiệm kỳ 3. “Tôi sẽ đệ đơn kiện Tổng thống nước Cộng hòa lên tòa án liên bang vì vi phạm hiến pháp cho những toan tính chính trị”, ông Maliki tuyên bố.
Với giọng điệu gay gắt, Thủ tướng Maliki cũng tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền ở Iraq, động thái nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng chính trị trong bối cảnh IS đang nổi dậy mạnh mẽ. Sau bài phát biểu trên, lực lượng quân sự Hồi giáo dòng Shiite trung thành với Thủ tướng Maliki tăng cường tuần tra xung quanh Baghdad. Cảnh sát, quân đội và lực lượng chống khủng bố cũng được triển khai nhiều bất thường dọc theo các địa điểm chiến lược tại Baghdad, đặc biệt là Vùng Xanh. Một số xe bọc thép di chuyển trên nhiều tuyến đường bị đóng cửa.
Ông Maliki đang đối mặt với áp lực từ chức. Những người chỉ trích cho rằng, ông Maliki là nguyên nhân gây ra khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay ở Iraq do các chính sách giáo phái kìm hãm người Sunni và người Kurd. Phương Tây cũng gia tăng áp lực lên nhà lãnh đạo Iraq yêu cầu thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực chống lại các chiến binh IS. Nhưng ông Maliki đang nỗ lực đi ngược lại mong muốn này. Khi mất dần kiên nhẫn với nhà lãnh đạo được so sánh với cựu Tổng thống Saddam Hussein, Washington ra tuyên bố ủng hộ Tổng thống Masum.
Không từ chức, điều động quân đội, tất cả hành động của ông Maliki đang khiến Baghdad càng thêm rối rắm. Nhưng giới phân tích cho rằng, khả năng ông Maliki tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 là khó xảy ra.
Các chiến binh hoành hành
IS lợi dụng bế tắc chính trị và căng thẳng giáo phái để “phất cờ” đứng lên, giành quyền kiểm soát phần lớn miền bắc Iraq.
Trước thế tấn công như vũ bão của IS và lời kêu gọi thống thiết của chính quyền Baghdad, Mỹ chính thức trở lại Iraq, tiến hành những cuộc không kích đầu tiên kể từ khi rút quân vào năm 2011. Lầu Năm Góc cho đến nay mở 5 cuộc không kích nhắm mục tiêu các chiến binh IS gần Irbil, thủ đô của người Kurd ở Iraq. Trong cuộc tấn công mới nhất, máy bay Mỹ nhắm 5 mục tiêu trong vòng 5 giờ hôm 10-8. Các quan chức Iraq cho biết, các cuộc không kích của Washington giết chết 16 chiến binh IS và một cuộc không kích của Baghdad tại Sinjar giết thêm 45 chiến binh khác. Australia hôm 11-8 tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng Mỹ tại Iraq tiêu diệt các phần tử cực đoan ở miền bắc Iraq và hỗ trợ người dân quốc gia Trung Đông này.
Nhưng trên thực tế, Iraq vẫn chưa thể thấy “ánh sáng le lói cuối đường hầm” bởi cơn ác mộng viện trợ nhân đạo đang đến gần. Khoảng 200.000 người Iraq gần đây đã gia nhập 1,5 triệu người phải di tản do bạo lực trong năm nay. Ngoài ra, các quan chức Anh ước tính, khoảng 50.000-150.000 người có thể bị mắc kẹt trên núi Sinjar, nơi họ chạy trốn để thoát khỏi những kẻ cực đoan IS.
Khả Anh