Báo Công An Đà Nẵng

“Thảm họa kép” ở Yarmouk

Thứ hai, 20/04/2015 11:52

(Cadn.com.vn) - Trại tị nạn Yarmouk - nơi bị mắc kẹt trong một vòng xoáy kể từ sau cuộc nội chiến Syria năm 2012 nay lại bị giáng thêm đòn nặng nề khi nhóm cực đoan Hồi giáo IS bước vào trận chiến giành quyền kiểm soát khu vực này.

Tương lai của Yarmouk, nơi có đông cộng đồng người tị nạn Palestine cũng như Syria sinh sống, chưa bao giờ bấp bênh như thế.

Mặc dù các tay súng IS được cho là đã rút về thành trì trong khu vực tiếp giáp Hajar al-Aswad, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn giữa các phe phái Palestine với các tay súng IS được cho vẫn còn hiện diện tại khoảng 40% lãnh thổ ở Yarmouk. Các cuộc không kích của Syria dường như dừng lại tại thời điểm này, song các nhà ngoại giao Arab và phương Tây cho rằng sắp xảy ra cuộc tấn công của các lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh Palestine.

Yarmouk, “ngôi nhà” của 150.000 người tị nạn Palestine, đã bị tàn phá bởi cuộc chiến tại Syria. Ảnh: BBC

Bao vây trừng phạt

Trong lúc này, Yarmouk là nơi    mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon gọi là “vòng luẩn quẩn sâu nhất của địa ngục”.

Yarmouk vì thế cần có sự hợp tác từ phía chính phủ Syria và một số nhóm đối lập trong trận chiến nhân đạo nhằm hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng. “Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là cứu người. Điều kiện bên trong là vô cùng thảm khốc. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch giúp đỡ những người rời khỏi đây, cũng như những người ở lại”, Đại sứ Ramzy Ezzedine Ramzy của LHQ, cho biết. Hàng ngàn người hiện được phép thoát khỏi Yarmouk, nơi họ bị mắc kẹt gần 2 năm trong cuộc bao vây trừng phạt của chính phủ, và các mối đe dọa từ các phe phái đối thủ.

Cứu trợ

LHQ hiện có thể cung cấp thêm viện trợ cho khu vực này nhiều hơn bao giờ hết.

Điều này nhận được sự đảm bảo, thậm chí bằng văn bản, từ các nhóm phiến quân địa phương cho phép các đoàn xe cứu trợ đến được nơi các trại trú ẩn thông qua các trạm kiểm soát. Ngay cả nhóm đối lập mạnh nhất tại Yarmouk, Jabhat al-Nusra có liên kết với Al-Qaeda, cũng hứa sẽ đảm bảo an toàn cho các đoàn xe cứu trợ đến Yarmouk.

Đây là động thái mà một quan chức LHQ gọi là thách thức chính trị, bởi Jabhat al-Nusra đang bị HĐBA LHQ trừng phạt. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy, dù IS và Al-Nusra đang chiến đấu với nhau ở những nơi khác nhưng ở miền nam Damascus chúng đang phối hợp với nhau.

Hầu hết các tay súng chiến đấu đến từ khu vực này thường xuyên thay đổi lòng trung thành, tùy thuộc vào tình trạng cạnh tranh và nguồn lực. Điều này giúp giải thích sự gia tăng đột ngột của IS ở miền nam Damascus. Khi IS tiến vào Yarmouk hôm 1-4, nhóm này không phải chiến đấu gì nhiều với Al-Nusra. Trong khi Al-Nusra khẳng định vẫn trung lập, hầu hết các vụ xung đột xảy ra giữa IS và đối thủ của Al-Nusra, Aknaf Beit al-Maqdis – được cho là có liên kết với Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.

“Chúng tôi phải quay trở lại”

Cơ quan tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), cùng với các nhóm cứu trợ địa phương, nhiều năm đấu tranh để được cung cấp thực phẩm, nước và vật tư y tế. Nhưng họ không được tiếp cận Yarmouk kể từ ngày 28-3.

Ông Ramzy cho biết người dân tìm cách quay trở lại cùng với bộ dụng cụ y tế, hóa chất làm sạch nước và thực phẩm. Nhưng điều đó không đủ cho một nơi đã trở thành biểu tượng của sự đau đớn và mâu thuẫn chính trị trong cuộc chiến ở Syria. Ước tính vẫn còn từ 6.000-15.000 người bị bỏ lại khi IS tiến vào. Nhiều người vẫn bị mắc kẹt trong ngôi nhà của mình, vì sợ bị trả thù nếu rời khỏi. “Nhiều người không thể rời khỏi trừ khi có lối đi an toàn”, Salim Salameh, người từng ở Yarmouk và hiện là người đứng đầu Liên đoàn Nhân quyền Palestine, cho biết.

Đối với người dân Yarmouk hiện giờ, hy vọng của họ chỉ đơn giản là tồn tại.

An Bình
(Theo BBC)